MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại lạm phát tăng cao bao trùm, Phố Wall ráo riết tìm cách thay đổi chiến lược đầu tư

22-02-2021 - 17:19 PM | Tài chính quốc tế

Lo ngại lạm phát tăng cao bao trùm, Phố Wall ráo riết tìm cách thay đổi chiến lược đầu tư

Theo Goldman Sachs, các có đòn bẩy hoạt động cao sẽ là những người chiến thắng trong thời kỳ lạm phát tăng.

Đối với các nhà đầu tư trái phiếu, lạm phát là một tin xấu bởi giá trị của các khoản lợi nhuận trong tương lai sẽ sụt giảm. Còn đối với trader cổ phiếu, sự tác động có thể "nhẹ nhàng" hơn, do một số công ty vẫn có khả năng thu về lợi nhuận từ việc mức giá chung tăng lên.

Dù sẽ có nhiều tổn thất trên TTCK nếu áp lực về mức giá tăng lên, nhưng những sự kiện trước đây cho thấy viễn cảnh này vẫn tạo ra cơ hội. Một nghiên cứu từ Ned Davis Research chỉ ra rằng, cổ phiếu năng lượng đã liên tục tăng điểm trong thời kỳ lạm phát cao ở 5 thập kỷ qua.

Trong khi đó, Goldman Sachs khuyến nghị các công ty hiện đã có sự chuẩn bị tốt hơn để kiếm lợi nhuận từ hoạt động bán hàng như nhà sản xuất ô tô Ford Motor và công ty truyền thông Discovery. Còn đối với Societe Generale, tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu cho thấy cổ phiếu ngành khai thác, các nhà sản xuất phân bón sẽ là lựa chọn phòng hộ hiệu quả nếu áp lực giá tăng lên.

Cho dù chủ tịch Fed Jerome Powell có lạc quan như thế nào về chủ đề này, thì lạm phát sớm muộn sẽ trở thành một vấn đề đối với TTCK. Chỉ trong vài tuần gần đây, nhà đầu tư đã nhận thấy những dấu hiệu đáng lo ngại từ mọi thứ, từ tình trạng thiếu hụt chip trong lĩnh vực sản xuất máy tính trên toàn cầu, cho đến mức tăng kỷ lục với mức giá sản xuất tại Mỹ.

Với triển vọng kinh tế tích cực, số ca nhiễm Covid-19 đang giảm xuống và gói kích thích tài khóa quy mô lớn hơn đang được triển khai, mối lo ngại về lạm phát đang "lan toả". Theo Tobias Levkovich – chiến lược gia đầu tư cổ phiếu của Citigroup, điều này có nghĩa là quyền định giá (pricing power) sẽ trở thành "máy phát điện", do có sự khác biệt lớn trong cách các công ty ứng phó với lạm phát.

Ông cho hay: "Các chỉ báo hàng đầu cho thấy mối lo ngại lạm phát có thể đang xuất hiện. Các công ty có sự linh hoạt về giá sẽ trở thành những người chiến thắng."

Theo Ned Davis, cổ phiếu năng lượng có thành tích tốt nhất trong thời gian giá tiêu dùng tăng. Nghiên cứu của công ty này cho thấy, 7 trong số 9 thời điểm lạm phát gia tăng kể từ năm 1972, ngành này ghi nhận mức tăng cao hơn S&P 500 khoảng 14 điểm phần trăm.

Ned Davis lưu ý, khi được xếp hạng theo phong cách đầu tư, cổ phiếu có giá trị theo chu kỳ - các doanh nghiệp có doanh thu dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế và thường có định giá tương đối thấp, có xu hướng hoạt động tốt hơn khi lạm phát tăng cao.

Trong năm nay, giá dầu thô đã tăng mạnh nhờ niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu được củng cố. Những vụ đặt cược như vậy đã phần nào hiện rõ trên TTCK, với cổ phiếu của các nhà sản xuất năng lượng bao gồm Exxon Mobil Corp. và Marathon Oil Corp. đều tăng giá. Ngành này đã dẫn đầu mức tăng của S&P 500 trong năm 2021, tăng gấp 5 lần so với chỉ số tham chiếu này.

Theo Bloomberg, sức ảnh hưởng mang tính phân cực của lạm phát đối với thị trường không phải là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài, nhà đầu tư đang chuẩn bị ứng phó bằng cách cân nhắc các công ty có đòn bẩy hoạt động cao hoặc khả năng gặt hái lợi nhuận từ doanh thu.

Lo ngại lạm phát tăng cao bao trùm, Phố Wall ráo riết tìm cách thay đổi chiến lược đầu tư  - Ảnh 1.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp có đòn bẩy hoạt động cao vượt trội trong 4 tháng liền so với nhóm đòn bẩy thấp.

Trong khi cả chi phí bán hàng và đầu vào đều có xu hướng tăng khi lạm phát tăng, các công ty có đòn bẩy tài chính mạnh có khả năng mang lại sự ổn định hơn cho cổ phiếu. Lý do là, hiệu quả của việc tăng doanh thu sẽ lớn hơn chi phí sản xuất.

Kể từ đầu tháng 2, một rổ cổ phiếu có đòn bẩy hoạt động cao nhất đã "đánh bại" nhóm cổ phiếu có đòn bẩy thấp nhất, với sự chênh lệch 1,7 điểm phần trăm, theo dữ liệu Goldman Sachs và Bloomberg. Chỉ báo này đang ghi nhận tháng thứ 4 tăng liên tiếp – chuỗi dài nhất kể từ năm 2013.

Theo các chiến lược gia của Goldman Sachs, chi phí đầu vào cao hơn, ví dụ như các loại hàng hoá, có ít ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của của các công ty trong S&P 500 một phần do một số ngành được hưởng lợi khi giá nguyên liệu tăng, trong khi các ngành khác chịu rủi ro.

Mặt khác, chi phí lao động lại là một vấn đề đáng lo ngại, nhóm chiến lược gia chỉ ra rằng, ước tính tăng trưởng tiền lương tăng 100 điểm cơ bản có thể khiến họ mất 1% lợi nhuận. Theo đó, họ khuyên nhà đầu tư nên ưu tiên các công ty có chi phí lao động chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong doanh thu, chẳng hạn như Under Armour và Biogen.

David Krostin đến từ Goldman Sachs cho hay: "Nhiều nhà đầu tư tin rằng việc tăng chi tiêu sẽ dẫn đến lạm phát và lãi suất cao hơn. Trước đây, lạm phát đã thúc đẩy doanh thu danh nghĩa của S&P 500, nhưng lại gây áp lực cho biên lợi nhuận khi các công ty gặp khó khăn trong việc tăng giá để bắt kịp với chi phí đầu vào."

Nhóm chiến lược gia của Societe Generale đã theo dõi một rổ cổ phiếu dựa trên mức độ nhạy cảm với những chỉ báo như biến động giá đồng và giá thực phẩm. Các cổ phiếu ngành vật liệu cơ bản, công nghệ, năng lượng hiện chiếm 2/3 danh sách này.

Nhóm cổ phiếu này đã chứng minh được giá trị của mình với đà tăng tương đương với kỳ vọng lạm phát trong những tháng gần đây. Nhưng lại có một nhược điểm, đó là kém vượt trội trong thời kỳ giảm phát, các chiến lược gia lưu ý. Họ đã đưa ra một lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp trong thời điểm này là "call option replication" (tái tạo quyền chọn mua) – nhằm hạn chế rủi ro giá giảm trong khi tối đa hóa xu hướng tăng.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên