Lo ngại sự minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Luật giá và Luật Đấu thầu sửa đổi. Nhiều đại biểu lo ngại về sự minh bạch và hiệu quả điều tiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
- 08-11-2022Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quỹ bình ổn xăng dầu
- 02-11-2022Chính phủ đề xuất duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu
- 01-11-2022Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Petrolimex tăng lên 1.265 tỷ đồng
Nên bỏ quỹ bình ổn giá
ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Bắc Giang) cho rằng, dư luận quan tâm có cần thiết sử dụng quỹ bình ổn giá không, trong đó, thiếu minh bạch và bị dị nghị nhiều nhất là Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Hiện các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang giữ Quỹ bình ổn giá. Khi giá xăng dầu tăng cao, chúng ta phải xả quỹ để ổn định thị trường trong nước, doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ, không xả được, khó khăn. Song cuối năm, để tăng giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp đó, họ kêu lãi lớn, dẫn tới giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp tăng rất cao. Do đó, cần xem xét lại quỹ này.
Xếp hàng dài để mua xăng tại một cây xăng trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội ngày 6/11 Ảnh: Minh Châu
Theo ĐBQH, Quỹ bình ổn giá xăng dầu do người dân đóng góp, vai trò của Nhà nước rất mờ nhạt. Khi cần bình ổn thì xả ra, doanh nghiệp rất lợi trong sử dụng quỹ này nhưng báo cáo tài chính của quỹ sử dụng như thế nào hằng năm không có. Tính minh bạch của Quỹ bình ổn giá không có. Cần làm rõ sự cần thiết phải có hay không quỹ này, hay để thị trường điều tiết. Nếu vẫn có, cần công khai, minh bạch định kỳ cho người dân giám sát.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đề cập thực trạng thời gian qua khó kiểm chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ quan soạn thảo chưa đánh giá trong bối cảnh hiện nay có nên giữ và tiếp tục duy trì quỹ này hay không, khi chúng ta sẽ điều chỉnh thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì nên xem lại việc duy trì và cách thức vận hành quỹ này. Tương lai gần nên cân nhắc, vì phi thị trường. "Thời gian vừa rồi khi kiểm chứng các vấn đề xăng dầu phát sinh, cho thấy một điều, dù tồn tại quỹ nhưng tác động không hề lớn. Khi nguồn cung không đảm bảo, quỹ cũng không giải quyết được chúng ta vẫn phải đương đầu với những khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu nguồn cung", đại biểu nói.
Khẳng định xăng dầu là loại hàng hoá đặc biệt nên cần có chế định đặc biệt để quản lý, nhưng ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu quan điểm không nhất thiết phải tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Quỹ này thu của người tiêu dùng nhưng giao doanh nghiệp quản lý chứ không phải Nhà nước. Thực tế có những thời điểm quỹ không phát huy được, nhiều thời điểm bị âm quỹ”, đại biểu nói.
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho rằng, bản chất quỹ này hoạt động trên cơ chế “tiền từ túi này sang túi khác”, người dân ứng tiền trước để sử dụng vào thời gian sau. Với những mặt hàng thiết yếu, giá hàng hoá thay đổi theo thời gian thực, song công cụ quỹ bình ổn giá lại quá chậm so với tốc độ thay đổi của thị trường. Vì vậy, hiệu quả điều chỉnh của quỹ không cao, mà quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay là một ví dụ. Mặt khác, theo bà Hà, quỹ được hình thành từ nguồn tiền đóng góp của người dân, nhưng người dân không tiếp cận được thông tin của việc sử dụng quỹ nên thiếu tin tưởng vào sự minh bạch trong vận hành quỹ. “Do vậy, dự thảo Luật Giá nên bỏ quy định về quỹ bình ổn giá”, đại biểu đề nghị.
Mổ xẻ vướng mắc trong đấu thầu
Về Luật Đấu thầu (sửa đổi), qua thực tiễn công tác tư pháp, xử lý các tội vi phạm quy định về đấu thầu cũng như nghiên cứu các vụ án, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) thấy rằng, Luật Đấu thầu hiện hành là cơ sở pháp lý rất quan trọng để xử lý trong trường hợp có vi phạm. Nhiều lĩnh vực quy định mang tính chất 50-50, tạo sự mập mờ. “Tuy nhiên, Luật Đấu thầu rất rõ, nên tất cả vụ án lớn về đấu thầu chả vụ án nào có tính chất oan sai gì cả. Trong vi phạm về đấu thầu, phổ biến nhất là lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu. Rồi hành vi thông thầu, các bên tham gia đấu thầu dùng “quân xanh”, “quân đỏ”, thoả thuận, chuẩn bị hồ sơ để một bên thắng thầu”, đại biểu nêu.
Theo ĐBQH, dường như có sự liên quan, sự móc nối giữa hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của những người có trách nhiệm, cơ quan quản lý với các chủ đầu tư, rõ nhất như vụ Nhật Cường (Hà Nội). Vi phạm là do tổ chức, cá nhân thực hiện, nên nếu nói vi phạm nhiều phải sửa luật thì không đúng, nên cân nhắc lại phạm vi sửa đổi. Dự thảo luật tăng trường hợp chỉ định thầu, mở rộng thẩm quyền của các cơ quan trong việc chỉ định thầu không hợp lý, đề nghị cân nhắc. Chính phủ trình ra rất nhiều công trình quan trọng quốc gia được chỉ định thầu, trong khi công trình nhỏ lại bắt đấu thầu...
"Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành từ nguồn tiền đóng góp của người dân, nhưng người dân không tiếp cận được thông tin của việc sử dụng quỹ, nên thiếu tin tưởng vào sự minh bạch trong vận hành quỹ".
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà |
ĐBQH Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND thành phố Hà Nội, cho biết, qua thực tiễn xét xử thấy một số quy định đã phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó chưa quy định hồ sơ mời thầu, trong khi đây lại là nội dung rất quan trọng, nếu không quy định chặt chẽ, dẫn tới tình trạng cài cắm, tạo cạnh tranh không bình đẳng, tiêu cực xảy ra. Theo ông Chính, nhiều vụ án, nhiều vụ việc rất đau xót cho chủ đầu tư.
“Bệnh viện Bạch Mai, người ta làm tốt công tác chuyên môn, nhưng khi giao cho làm chủ đầu tư, lại không biết chức năng thầu như thế nào, dẫn tới tình trạng vì không hiểu thủ tục đấu thầu mà vi phạm pháp luật, rất đáng tiếc. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét. Do vậy, trong công tác quản lý, phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới, từ trung ương xuống địa phương và từ chủ đầu tư, người tham gia đấu thầu”, ông Chính nói.
Tiền phong