MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại tác dụng "ngược" nếu siết cho vay bất động sản

05-05-2022 - 11:16 AM | Bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị liên quan tới việc siết tín dụng vào thị trường bất động sản của các ngân hàng thương mại thời gian gần đây.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
288 bài viết

Theo Hiệp hội, ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người thực sự có nhu cầu mua nhà, khi họ khó vay tiền ngân hàng và giá nhà có thể bị đẩy lên cao. Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, lành mạnh hóa lĩnh vực tín dụng bất động sản là chủ trương hợp lý, nhưng nếu "khóa van" một cách cực đoan có thể sẽ khiến thị trường đình trệ, dẫn tới không ít rủi ro.

Khảo sát từ nhiều công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, 90% người mua nhà hiện nay đều cần đến giải pháp "đòn bẩy tài chính", tức phải đi vay tiền để mua nhà.

Thực tế, chủ trương của một số ngân hàng là chỉ siết cho vay với người mang tiền đi đầu cơ đất, nhưng vẫn tiếp tục cho người dân có nhu cầu mua nhà, sửa nhà được vay. Tuy nhiên, sẽ khó để các ngân hàng xác định ai có nhu cầu thật, ai vay để đầu tư. Bởi vậy, không ít người có nhu cầu vay mua nhà thật sẽ bị ảnh hưởng, khi bị đánh đồng là vay tiền đầu cơ, khiến họ khó vay vốn.

Còn đối với doanh nghiệp bất động sản, khó khăn sẽ càng chồng chất, nhất là khi đang trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Nếu tín dụng bị khóa đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp khó, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu. Lúc này việc siết tín dụng bất động sản có thể gây tác dụng ngược.

Lo ngại tác dụng ngược nếu siết cho vay bất động sản - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, lành mạnh hóa lĩnh vực tín dụng bất động sản là chủ trương hợp lý, nhưng nếu "khóa van" một cách cực đoan có thể sẽ khiến thị trường đình trệ, dẫn tới không ít rủi ro. Ảnh minh họa.


"Rõ ràng tiền vốn đầu tư vào bất động sản thì một phần khá quan trọng là hệ thống của các tổ chức tài chính như tín dụng hay các quỹ tài chính khác; một phần là của các nhà đầu tư thứ cấp khi họ mua hàng đóng góp vào cho các quỹ đầu tư. Khi chúng ta thắt chặt lại các dòng tín dụng đương nhiên các nguồn vốn mới hình thành dự án mới sẽ khó khăn hơn", ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Một số ý kiến khác cho rằng, bất động sản đang chiếm 14% GDP và tác động đến 35 - 40 lĩnh vực kinh tế khác. Thực tế, phần lớn những người vay vốn mua bất động sản đều có nhu cầu mua nhà để ở; trong đó, chủ yếu là mua chung cư và thế chấp bằng chính tài sản đó.

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho hay: "Bất động sản không phải cái gì cũng xấu, cái gì cũng rủi ro. Trong đó phân khúc bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp vẫn phát triển tốt và tổ chức tín dụng vẫn cho vay. Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản là 12%, trong đó 2/3 cho vay liên quan đến nhà ở, còn 1/3 cho vay để đầu tư bất động sản".

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng kiến nghị, các các dự án tốt có phương án kinh doanh, khả năng trả nợ gốc và lãi rõ ràng, minh bạch thì cần được các ngân hàng xem xét cấp tín dụng kịp thời. Còn nếu bị cắt tín dụng đột ngột, các chủ đầu tư chắc chắn sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn, dẫn đến nguồn cung nhà đất tung ra thị trường bị hạn chế, càng đẩy giá nhà tăng cao.

Theo PV

VTV.VN

Trở lên trên