MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại thị trường chứng khoán biến động thất thường, VOF VinaCapital dịch chuyển sang đầu tư vốn tư nhân

VOF cho biết nếu đạt được thỏa thuận, tỷ trọng danh mục đầu tư vào các công ty tư nhân của quỹ có thể lên tới 1/4 danh mục, điều này mang lại sự ổn định trong bối cảnh TTCK biến động khá thất thường.

VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 9 với giá trị danh mục đạt 921 triệu USD, trong đó, quỹ dành 66% danh mục vào cổ phiếu niêm yết; 18,1% vào cổ phiếu chưa niêm yết và 14,5% vào các công ty tư nhân (Private Equity).

Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục VOF không có sự thay đổi so với tháng trước. HPG vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 11%, xếp tiếp theo lần lượt là KDH (9,9%), ACV (7,9%), PNJ (7,1%), VNM (6,4%)…

Lo ngại thị trường chứng khoán biến động thất thường, VOF VinaCapital dịch chuyển sang đầu tư vốn tư nhân - Ảnh 1.

Xét về nhóm ngành, bất động sản hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục VOF với 19,6%, tiếp theo là vật liệu xây dựng (15,4%), F&B (14,6%), tài chính (12,7%)…

Về hiệu quả hoạt động, trong tháng 9, tăng trưởng NAV/shares của VOF chỉ tăng 0,2% tính theo USD. Tính từ đầu năm tới nay, tăng trưởng của quỹ ở mức -3%, trước đó trong năm 2018 là -9%.

VOF cho biết, trong những tháng gần đây, quỹ đã tận dụng các điều kiện thị trường để giảm bớt danh mục đầu tư trên thị trường vốn (bao gồm cả việc bán VJC trong tháng trước). Hầu hết danh mục đầu tư trên thị trường vốn của VOF có nguồn gốc là đầu tư tư nhân (Private Equity) và theo thời gian, các doanh nghiệp này tiến hành IPO, niêm yết. VOF hiện đang tiến hành thoái vốn tại một số khoản đầu tư tại các công ty này.

Trong khoảng 1 năm qua, VOF đã đánh giá hơn 100 cơ hội đầu tư và chọn ra được 6 công ty tiềm năng. Mới đây, một nhóm tổ chức đã rót 21,4 triệu USD vào CTCP Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG), trong đó VOF rót 17 triệu USD vào doanh nghiệp này và có 2 vị trí trong HĐQT.

VOF hy vọng sẽ công bố thêm một số khoản đầu tư mới trong vài tháng tới. Nếu đạt được thỏa thuận, tỷ trọng danh mục đầu tư vào các công ty tư nhân của VOF có thể lên tới 1/4 danh mục, điều này mang lại sự ổn định cho quỹ trong bối cảnh TTCK biến động khá thất thường.

Trong khi VOF chỉ tăng trưởng nhẹ trong tháng 9 thì chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 1,3% (tính theo USD). Kết quả này tốt hơn so với các quốc gia khu vực ASEAN với mức giảm bình quân 1,6% trong tháng (Philippines giảm 2,5%; Malaysia giảm 1,8%; Indonesia giảm 2,5%; Thái Lan giảm 1,1%).

Đà tăng của VN-Index trong tháng được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh đó, thông tin NHNN giảm 0,25% lãi suất điều hành và kỳ vọng việc ra đời các quỹ ETFs mới giúp khối ngoại có thể sở hữu gián tiếp các cổ phiếu kín room (FOL), cùng với các chỉ số vĩ mô Việt Nam vẫn rất tích cực so với thế giới đã hỗ trợ thị trường.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên