MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại tình trạng béo phì, nguy cơ bệnh tim mạch, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt

16-08-2017 - 10:44 AM | Sống

Bộ Tài chính lý giải đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu dùng đặc biệt nhằm điều tiết tiêu dùng với đồ uống có đường.

Các loại nước ngọt, đồ uống giải khát là sở thích của nhiều người, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, việc lạm dụng nước ngọt sẽ dẫn đến béo phì và tiểu đường.

Theo thống kê, uống 1 lon nước ngọt có ga mỗi ngày, bạn có thể tăng đến 7kg trong một năm. Thành phần của các loại nước ngọt chủ yếu là hương vị, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản... Thực chất, các loại đường đơn trong thành phần của nước ngọt có ga chỉ cung cấp năng lượng "rỗng" cho người dùng mà hoàn toàn không có các chất dinh dưỡng, vitamin... Loại đồ uống này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe nếu sử dụng thường xuyên.

Theo Bộ Tài chính, ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì đang chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 tới 5,3% năm 2015, tức là gấp 8 lần sau 15 năm. Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ... Trong đó, lạm dụng nước ngọt là một trong những căn nguyên gây béo phì điển hình.

Với lý do điều tiết tiêu dùng đồ uống có đường, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt với mức 10% hoặc 20% từ năm 2019. Hiện nay cơ quan này nghiêng về phương án áp dụng mức thuế 10%.

Các loại nước ngọt giải khát ở đây bao gồm nước ngọt có ga, không ga, nước tăng lực, đồ uống thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa.

Bộ Tài chính cũng cho biết, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Ở Thái Lan, nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc, nước ngọt có ga ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440 cc. Lào cũng áp dụng mức thuế 5 - 10%, Campuchia áp dụng mức thuế 10% cho nước ngọt.

Ba nước ASEAN khác là Myanmar, Philippines, Indonesia cũng đang xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt. Theo Bộ Tài chính, các nước châu Âu đã áp dụng mức thuế cao cho mặt hàng này. Ví dụ Pháp áp thuế với mức tuyệt đối là 0,72 eu/lít, ở Phần Lan là 0,75 eu/lít, Hungary là 0,04 eu/chai hoặc lon nước...

Thu Hoài

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên