MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo những "cơn lũ" sau mùa bão chờ đợi ngân hàng phía trước

04-11-2020 - 11:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân hàng đã được tung ra, không khó để thấy vẫn là những bản báo cáo đầy hứa hẹn với mức tăng trưởng được coi là "trong mơ" của nhiều ngành. Thế nhưng cũng không khó để hiểu rằng, sẽ có rất rất nhiều "đợt lũ" sau mùa bão chờ đợi ngân hàng ở phía trước.

Năm 2020 là một năm "đáng quên", nhưng có lẽ lịch sử sẽ không bao giờ để 2020 trôi vào quên lãng. Sẽ là một năm được nhắc đi nhắc lại như một minh chứng điển hình cho "khủng hoảng kinh tế mới", khi mà chúng ta đã ngỡ với "vaccine" là Basel II, Basel III và hàng loạt bộ óc quản lý kinh tế hàng đầu, nền kinh tế đã đủ sức thoát khỏi chu kỳ khủng hoảng 10 năm. Nhưng đó là chúng ta nói vậy, còn Covid-19 nói "Không". Tuy không phải chứng kiến một sự sụp đổ hoàn toàn nào, nhưng cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới đến những quốc gia ở thế giới thứ ba, đều lao đao và phần lớn đang loay hoay tìm hướng đi vực dậy nền kinh tế đã bị kéo tụt trong hơn nửa năm qua.

Việt Nam lại không như thế. Đến bây giờ khi các nước bạn đang oằn mình chống dịch, và không thôi thắc mắc tại sao nền kinh tế non trẻ, hệ thống y tế chẳng mấy tiếng tăm như Việt Nam lại có thể đẩy lùi cơn ác mộng mang tên Covid-19, không phải một, mà những hai lần. Bạn tôi, một người nước ngoài "điển hình", tức là chỉ biết đến Việt Nam vì đánh thắng Mỹ và phở, đã há hốc miệng khi nghe tôi kể rằng chẳng còn ca dương tính nào trong cộng đồng từ hai tháng nay, và rằng bạn bè tôi ở Việt Nam đã có thể đi du lịch trong nước từ Nam ra Bắc. Bạn không tin khi tôi bảo chúng tôi đeo khẩu trang từ tháng 2, truy vết được hết người liên quan đến bệnh nhân dương tính, và chỉ giãn cách xã hội đúng một tháng. Thậm chí ngay cả khi làn sóng thứ hai ập đến, chúng tôi cũng chỉ áp dụng giãn cách xã hội với một vài vùng nhất định, còn hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP. HCM vẫn giao thương bình thường. Và bạn lại càng không thể tin quốc gia bé nhỏ của tôi vừa chống dịch, vừa hứng chịu liên tiếp hai cơn bão với nhiều ngày mưa liên tục vào khúc ruột miền Trung, lại có thể là quốc gia duy nhất trong ASEAN tăng trưởng dương.

Thế nhưng câu chuyện tương lai, không chỉ là với nền kinh tế mà là với ngành ngân hàng, có lẽ cần phải nhìn nhận bớt khả quan đi một chút. Không thể phủ nhận những nỗ lực đã qua, nhưng cũng cần hiểu rằng, ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai đánh trực tiếp vào doanh nghiệp, người dân, và sẽ ngấm dần qua từng trang báo cáo tài chính của ngân hàng sau này. Ngân hàng – với sứ mệnh là huyết mạch cho nền kinh tế - đã không chỉ gồng mình chống dịch chống bão, mà còn tự cắt lợi nhuận để đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây không phải là nghĩa vụ của ngân hàng – chúng ta cần nhìn nhận như thế, bởi ngân hàng thương mại cần có lãi – nhưng đây là việc nên làm, cả lý lẫn tình. Không chỉ là tuân thủ chỉ đạo của NHNN mà còn là phương án win – win bỏ ngắn nuôi dài, bằng cách cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng. Nhưng câu chuyện chưa thể dừng ở đó, bởi bao nhiêu trong số được cơ cấu này sẽ thực sự phục hồi và quay trở lại làm một đối tác khỏe mạnh tạo ra thu nhập cho ngân hàng? Và bao nhiêu trong số đó sẽ ngậm ngùi nộp đơn phá sản? Không ai trong chúng ta biết được, và vì thế trong trường hợp xấu nhất, nhiều nhân viên ngân hàng sẽ rong ruổi trên những nẻo đường thu hồi nợ, chỉ tiêu kinh doanh là chỉ tiêu xử lý rủi ro, và các vị lãnh đạo ngân hàng sẽ thêm nhiều đêm thức trắng.

Tuy nhiên đó là câu chuyện của tương lai, và chỉ cần đồng lòng như hướng về đợt lũ miền Trung vừa qua, tôi tin chuyện Việt Nam trở thành "con rồng châu Á mới" không còn viển vông. Bạn tôi, sau sự ngạc nhiên là đến thích thú, đã khăng khăng bắt tôi phải báo khi nào Việt Nam có chuyến bay thương mại và mở cửa du lịch quốc tế, để "đến thăm thành phố miền Trung có con rồng phun nước phun lửa" hay "ăn một bát phở ở chính Việt Nam". Tôi tin là sẽ có nhiều thật nhiều người như thế, chúng ta chỉ cần ngẩng cao đầu mới một tâm thế mới, nắng trên đầu và bùn ở dưới chân.

Phương Thúy (Đại học Sussex, Anh)

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên