MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỗ ròng năm 2021 gấp hơn 5 lần hậu kiểm toán, Thiết bị Y tế Việt Nhật giải trình thế nào?

05-07-2022 - 10:29 AM | Doanh nghiệp

Lỗ ròng năm 2021 gấp hơn 5 lần hậu kiểm toán, Thiết bị Y tế Việt Nhật giải trình thế nào?

Lỗ sau thuế công ty mẹ tại BCTC hợp nhất được kiểm toán ở mức gần 30 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với báo cáo tự lập. Đơn vị kiểm toán đưa ý kiến nhấn mạnh rằng tại 31/3, Thiết bị Y tế Việt Nhật và công ty con đã thực hiện xử lý tài chính các khoản nợ phải thu tồn đọng.

CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật ( HoSE: JVC ) công bố văn bản giải trình về biến động hơn 5% ở một số hạng mục giữa BCTC hợp nhất 2021 tự lập và kiểm toán. Lỗ sau thuế công ty mẹ tại BCTC hợp nhất được kiểm toán ở mức gần 30 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với báo cáo tự lập.

Lỗ ròng năm 2021 gấp hơn 5 lần hậu kiểm toán, Thiết bị Y tế Việt Nhật giải trình thế nào? - Ảnh 1.

Nguồn: JVC.

Theo giải trình của Thiết bị Y tế Việt Nhật, lợi nhuận gộp sau kiểm toán giảm 22,8% phần lớn do giá vốn hàng bán đã tăng 12 tỷ đồng (3,6%). Kiểm toán đề nghị không hoàn nhập chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho 10,5 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5,9%, do BCTC kiểm toán năm trước ghi nhận bổ sung chi phí trích lập dự phòng khoản phải thu khác, dự phòng trả trước cho người bán tăng tỷ lệ trích lập theo tuổi nợ.

Lỗ thuần tăng thêm 12,9 tỷ đồng lên mức 25,7 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác chuyển từ lãi gần 7 tỷ đồng thành lỗ 3,7 tỷ đồng do chi phí khác tăng đến 785,5% - tương ứng 10,3 tỷ đồng vì công ty mẹ ghi nhận bổ sung chi phí tổn thất từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Khám chữa bệnh Tâm An để đầu tư xây dựng và vận hành phòng khám đa khoa quốc tế tại phố Nam Cao, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Dự án này đầu tư chưa được 1 năm nhưng do vướng mắc giữa ban quản lý dự án và cư dân nên để hạn chế tổn thất, các bên thống nhất ngưng triển khai và ghi nhận chi phí tổn thất theo tỷ lệ tương ứng.

Thiết bị Y tế Việt Nhật đánh giá các thay đổi trên làm khoản lỗ ròng sau kiểm toán tăng thêm 24,4 tỷ đồng lên mức 29,9 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán đưa ý kiến nhấn mạnh rằng tại 31/3, Thiết bị Y tế Việt Nhật và công ty con đã thực hiện xử lý tài chính các khoản nợ phải thu tồn đọng, bao gồm 59,3 tỷ đồng nợ phải thu khách hàng, 14,9 tỷ đồng trả trước cho người bán, 16,7 tỷ đồng khoản công nợ tạm ứng và chuyển theo dõi khoản mục này ra ngoài bảng cân đối kế toán theo nghị quyết HĐQT. Việc theo dõi các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán không làm giảm trách nhiệm thu hồi công nợ của Thiết bị Y tế Việt Nhật.

Về việc này, Thiết bị Y tế Việt Nhật cho biết việc đưa các khoản công nợ khó đòi, tồn tại lâu ngày, không có khả năng thu hồi ra ngoài bảng theo dõi đã được HĐQT thông qua vào ngày 6/5. Các khoản nợ này đã được trích lập dự phòng 100% trong năm tài chính 2021. Doanh nghiệp xác định việc này không làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi công nợ và quyền lợi đối với khoản công nợ này.

Theo Vy Anh

Người đồng hành

Trở lên trên