Lo sợ bị mất việc, tài xế Grab và Gojek tại Indonesia phản đối gay gắt việc sáp nhập, sẽ "làm căng" nếu bị phớt lờ ý kiến
"Việc sáp nhập sẽ đem đến bất lợi cho chúng tôi. Và chúng tôi sẽ phản đối Grab, Gojek và đặc biệt cổ đông lớn phía sau là Soft bank, nếu họ không có cuộc đối thoại chính thức với chúng tôi cũng như phía chính quyền", Fadel Balher - đại diện liên đonaf tài xế ở Kalimantan nói và nhấn mạnh sẽ phản đối đến cùng.
Tài xế của hai hãng xe công nghệ Grab và Gojek đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tuần hành lớn, nhằm chống đối sự sáp nhập, nguồn tin từ Reuters cho hay.
"Nếu sáp nhập thành công, chúng tôi sẽ mất viêc", Igun Wicaksono - người đứng đầu tổ chức Garda Nasional tuyên bố. Được biết, Garda Nasional là một tổ chức với hơn 100.000 tài xế Grab và Gojek, nhằm kêu gọi chính quyền và các tài xế tham gia chống đối sáp nhập.
"Nếu bị phớt lờ, chúng tôi buộc phải kích hoạt cuộc tuần hành trên khắp Indonesia", vị này nhấn mạnh.
Hiện, nhiều nguồn tin thời gian gần đây cho thấy hai công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất Đông Nam Á là Grab và Gojek - từng cạnh tranh khốc liệt với nhau từ dịch vụ gọi xe, thanh toán kỹ thuật số đến giao đồ ăn - đang thúc đẩy nhanh tiến trình sáp nhập.
Điều này được hỗ trợ hoàn toàn bởi các nhà đầu tư lớn đằng sau. Đặc biệt phía Softbank, cổ đông lớn của Grab, không giấu kỳ vọng nhanh chóng đạt thoả thuận sáp nhập Grab và Gojek nhằm mục đích mở đường cho việc niêm yết công khai. Trong vòng gọi vốn mới nhất, Grab được định giá lên đến 10 tỷ USD, con số này theo tiết lộ đang chạm mức 15 tỷ USD.
Trở lại với đối tượng là các tài xế công nghệ, họ lo lắng việc thoả thuận sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của họ trong tương lai. Trong khi, nguồn thu thực tế đã bị sụt giảm rất mạnh từ đầu năm nay do dịch Covid-19 bùng phát.
Theo thông tin từ tổ chức Garda Nasional, thu nhập trung bình của tài xế Grab và Gojek hiện nay chỉ còn khoảng 70% con số trước dịch. Thậm chí, hàng ngàn người đã bị sa thải trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh từ tháng 5-7/2020. Do đó, trước nguy cơ là cuộc sáp nhập sắp đến, Garda Nasional muốn kêu gọi chính quyền vào cuộc can thiệp.
"Việc sáp nhập sẽ đem đến bất lợi cho chúng tôi. Và chúng tôi sẽ phản đối Grab, Gojek và đặc biệt cổ đông lớn phía sau là Softbank, nếu họ không có cuộc đối thoại chính thức với chúng tôi cũng như phía chính quyền", Fadel Balher - đại diện liên đonaf tài xế ở Kalimantan nói và nhấn mạnh sẽ phản đối đến cùng.
Về phía chính quyền, các cơ quan giám sát phòng chống độc quyền tại Indonesia cho biết chưa nhận được thông báo chính thức từ phía doanh nghiệp về việc sáp nhập, Reuters ghi nhận. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định đang theo dõi sát sao diễn biến của cuộc đàm phán. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia trả lời báo giới rằng họ chưa thể liên lạc được với doanh nghiệp.