Lo sợ sập "bẫy nợ", một quốc gia khác dự định rút lại thoả thuận cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm
Chính phủ mới của Sri Lanka, do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lãnh đạo, muốn rút lại thoả thuận trước đây, đó là cho một doanh nghiệp Trung Quốc thuê khu vực phía nam cảng Hambantota, với mục đích được chỉ ra là vì lợi ích quốc gia.
- 18-11-2019Vừa thăm TQ trở về, thủ tướng một quốc gia gửi lời "tạm biệt lạnh lùng" tới Vành đai Con đường của Bắc Kinh
- 23-09-2019Đẩy mạnh chiến lược ‘Vành đai và Con đường’, Trung Quốc rót thêm 1 tỷ USD vào ASEAN
- 17-08-2019Trung Quốc toan tính điều gì khi tái khởi động Sáng kiến Vành đai Con đường?
Năm 2017, cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã thay đổi các điều khoản trong đó. Ông nói rằng sẽ rất khó để trả khoản nợ cho dự án xây dựng cảng này. Do đó, ông đã đồng ý cho Công ty Cảng giao thương Trung Quốc (CMP) - một công ty liên doanh của Trung Quốc, thuê cảng trong 99 năm với giá 1,1 tỷ USD. Động thái này đã giảm bớt khoản nợ quốc gia này vay Trung Quốc để xây dựng, ông Wickremesinghe cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.
Ajith Nivard Cabraal - cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương, và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: "Chúng tôi muốn họ trả lại khu cảng. Tốt hơn hết là mọi thứ nên trở về nguyên trạng. Chúng tôi hoàn trả khoản vay đúng thời hạn, theo như những gì đã đồng ý ban đầu mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào."
Khu cảng này hiện đang là bức tranh gây tranh cãi về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận, kéo dài từ Kenya cho đến Myanmar. Chính quyền ông Tập bị cáo buộc cố tình đẩy các quốc gia nghèo vào bẫy nợ. Tại Sri Lanka, Mahinda đã vay tiền của Trung Quốc trong suốt 10 năm cầm quyền với tư cách là Tổng thống để xây dựng dự án cảng ở một quận thuộc quê của ông.
Smruti Pattanaik - một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng tại New Delhi, cho hay: "Đây là một thoả thuận liên quan đến chủ quyền. Trung Quốc có thể sẽ xem xét lại một số điều khoản, nếu điều đó được coi là quan trọng đối với chính quyền ông Rajapaksa."
Vị trí của cảng Hambantota.
Nỗ lực lấy lại cảng biển lần này sẽ giúp chính phủ mới của Sri Lanka thể hiện quyết tâm xoay chuyển thoả thuận được cho là gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Đây cũng là nền tảng chiến dịch quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Gotabaya - cựu Bộ trưởng Quốc phòng, vừa nhậm chức Tổng thống hồi tháng 11.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phát biểu về vấn đề này: "Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Sri Lanka, bao gồm cả dự án cảng Hambantota, được xây dựng dựa trên cơ sở bình đẳng và có sự tham vấn. Trung Quốc mong muốn hợp tác với Sri Lanka để đưa Hambantota trở thành một trung tâm vận chuyển mới ở Ấn Độ Dương và phát triển nền kinh tế địa phương."
Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Sri Lanka đã trở thành một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Điều này làm dấy lên mối lo ngại cho Ấn Độ rằng đối thủ về địa chính trị của họ sẽ sử dụng một khu cảng gần với bờ biển phía nam cho mục đích chiến lược hoặc quan sự trong tương lai.
Trung Quốc đã loại bỏ những mối lo ngại liên quan đến bất kỳ khía cạnh về quân sự nào đối với khoản đầu tư vào cảng Hambantota. Khu cảng này nằm trên các tuyến vận chuyển chính giữa châu Á và châu Âu, họ cho biết cả 2 bên cùng gặt hát được lợi ích - điều sẽ thúc đẩy nền kinh tế Sri Lanka.
Theo Brahma Chellaney - một giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi: "Sri Lanka sẽ phải đưa ra một điều kiện hợp lý, ngang bằng để trao đổi. Sau khi anh em nhà Rajapaksa lên nắm quyền, Trung Quốc kỳ vọng sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng ở quốc gia này."
Một thoả thuận thuê cảng tương tự thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Myanmar cũng bị cắt giảm quy mô từ 7,5 tỷ USD xuống chỉ còn 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, chính phủ Malaysia cũng huỷ bỏ dự án xây dựng các đường ống trị giá 3 tỷ USD và tái đàm phán về một dự án đường sắt vào năm 2019, cắt giảm 1/3 khoản vay xuống còn 11 tỷ USD.
Ông Cabraal cho biết: "Khi bạn ký các thoả thuận song phương đó, thì đó là những thoả thuận rất nghiêm túc. Đồng thời, chúng tôi cần phải quan tâm đến lợi ích quốc gia. Nếu một chính phủ đã loại bỏ nó, thì chính phủ mới cần phải tìm nhiều cách thức giải quyết trên tinh thần hoà giải."