Lo thất thu hàng nghìn tỷ đồng mùa vải thiều năm nay
Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, dự báo sản lượng vải thiều năm nay của Bắc Giang, Hải Dương chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Điều này khiến vụ vải năm nay có thể thất thu cả nghìn tỷ đồng.
- 25-05-2024Bán sầu riêng online, TikToker Thiện Nhân bị trả lại tận 800kg, hỏng hết và mất luôn vốn liếng
- 25-05-2024Khách săn lùng mít tí hon quả bằng nắm tay, có vị chua độc lạ
- 25-05-2024Sedan cỡ B đắt nhất thị trường Việt bất ngờ giảm đậm 270 triệu đồng, nỗ lực chạy đua cùng Hyundai Accent và Toyota Vios
Không dám chốt đơn vì lo...không đủ hàng
Chia sẻ với PV Tiền Phong , bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam - cho biết, thời điểm này sắp bắt đầu vào vụ thu hoạch chính vụ vải thiều , song không khí năm nay trầm lắng hẳn so với mọi năm. Tại các hợp tác xã và vùng trọng điểm vụ vải, hoạt động thu mua ảm đạm hơn do người dân có rất ít hàng để bán.
Theo bà Hồng, do ảnh hưởng của thời tiết, hiện các vùng vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang đều mất mùa nặng, điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó trong thu mua nguyên liệu.
“Dù sản lượng vải thiều xuất khẩu đặt hàng từ các đối tác tăng 20% so với năm ngoái, doanh nghiệp không dám chốt bởi lo không đủ hàng giao cho khách", bà Hồng nói và cho rằng với tình hình này, doanh thu từ xuất khẩu vải năm nay của công ty có thể sẽ giảm tới 30-40% so với mọi năm.
Ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ - chia sẻ, công ty vừa xuất khẩu gần 1 tấn vải u trứng sang thị trường Úc. Đây là thị trường mới doanh nghiệp khai thác trong năm nay. Sau khi lên kệ, mỗi kg vải được niêm yết với giá 34,99 AUD (tương đương gần 600.000 đồng). Đây là mức giá cao gấp 4 lần so với vải u trứng trắng bán tại Việt Nam và tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Thìn, các khách hàng ở Úc đánh giá rất cao chất lượng vải của Việt Nam và ngỏ ý đặt nhiều đơn hàng. Song đáng tiếc, năm nay sản lượng vải giảm mạnh, nên hầu như doanh nghiệp chỉ dám cung cấp số lượng ít, loại chất lượng để kết nối ban đầu.
Ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc điều hành Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, vừa phải gửi thư cho các đối tác quốc tế thông báo chỉ có thể phân phối khoảng 20% sản lượng vải thiều theo hợp đồng đã ký trước đó.
Theo ông Hưng, ban đầu công ty dự tính thu mua khoảng 2.000 tấn vải để xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm từ quả vải. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty chỉ cố gắng đạt được mức thu mua 500 tấn.
“ Theo khảo sát của công ty, những vườn mà sản lượng năm ngoái đạt khoảng 300 tấn, năm nay dự kiến chỉ thu được khoảng 10 tấn. Đây là điều chưa từng có trong hơn 10 năm thu mua, xuất khẩu vải của công ty", ông Hưng chia sẻ.
Sản lượng giảm khoảng 50%
Thống kê của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, hiện cả nước có trên 56.000 ha vải với các tỉnh trồng vải chủ yếu là Bắc Giang (29.600 ha), Hải Dương (8.800 ha), Lạng Sơn (1.400 ha), Hưng Yên, Quảng Ninh (1.300 ha).
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, sản lượng vải năm nay đạt khoảng 200.000 tấn, giảm khoảng 50% so năm ngoái. Trong đó, Bắc Giang đạt khoảng 100.000 tấn (bằng 50% so năm trước), Hải Dương đạt khoảng 45.000 tấn (bằng 77% so năm trước). Riêng Hưng Yên chủ yếu trồng vải sớm nên sản lượng tương đương năm ngoái.
Theo Cục Trồng trọt, nguyên nhân sản lượng vải giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết bất thường. Từ cuối năm ngoái đến nay, do ảnh hưởng của El Nino nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng nên nhiệt độ trung bình năm nay cao hơn 1,5 độ C so bình quân nhiều năm. Các đợt rét đến muộn, kèm theo mưa nhỏ kéo dài, độ ẩm không khí cao làm cho tỷ lệ ra hoa của vải thiều thấp.
Trước tình hình này, hiện các địa phương (Hải Dương, Bắc Giang...) đã tích cực làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu; chuẩn bị các điều kiện về sơ chế đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Canada, Australia, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan...
Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp ký kết hợp đồng để bao tiêu sản phẩm với nông dân. Tuy sản lượng giảm mạnh nhưng bù lại giá vải bán tại vườn dao động từ 35.000 đến 60.000 đồng/kg, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 10%. Còn giá vải đến tay người tiêu dùng tại các chợ và hệ thống siêu thị hiện dao động ở mức 50.000 - 70.000 đồng/kg. Còn với những loại vải chất lượng cao dùng để xuất khẩu, giá xuất bán có thể lên mức từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Theo thống kê, năm ngoái mùa vụ vải đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị. Riêng vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được trên 201.600 tấn (tăng trên 21.600 tấn so với kế hoạch) với giá trị hơn 6.800 tỷ đồng. Còn ở Hải Dương xuất khẩu vải cũng đạt hơn 1.000 tỷ.
Năm nay, với việc sản lượng vải giảm đến 50%, có thể khiến các địa phương hụt thu cả nghìn tỷ đồng.
Tiền Phong