MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Singapore, Mỹ, Australia

26-05-2020 - 10:45 AM | Thị trường

Ngày 25/5, tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà đã tổ chức chương trình thu hái vải thiều xuất khẩu và cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Singapore, Mỹ, Australia trong năm 2020.

Theo đó, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đã xuất container vải thiều đầu tiên sang Singapore. Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ xuất những chuyến hàng vải thiều đầu tiên sang thị trường Australia và Mỹ.

Năm 2020, toàn tỉnh Hải Dương có 9.750 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có 3.600 ha, TP. Chí Linh 3.900 ha, số còn lại ở các địa phương khác. Tổng sản lượng vải thiều của toàn tỉnh ước đạt 45.000 tấn, tăng hơn 20.000 tấn so với vụ năm 2019. Trà vải sớm thu hoạch trong khoảng 1 tháng (từ 5/5 – 5/6). Trà vải chính vụ đạt khoảng 25.000 tấn, tăng gấp 3 - 4 lần so với năm trước, thời gian thu hoạch từ ngày 5- cuối tháng 6.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, việc tiêu thụ vải thiều đầu vụ khá thuận lợi. Số doanh nghiệp, siêu thị, thương nhân về Hải Dương thu mua nhiều hơn năm trước. Vải thiều sớm đang thu hoạch đạt sản lượng khá cao, mẫu mã đẹp, bảo đảm chất lượng, giá bán cao hơn năm trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Các mẫu quả vải trong vùng xuất khẩu do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và các doanh nghiệp mang đi phân tích, đánh giá trước khi xuất khẩu đều bảo đảm tiêu chuẩn.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết với các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ… việc xuất khẩu vải thuận lợi nhờ đã có sự chuẩn bị và tiếp cận từ nhiều năm qua. Riêng năm nay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về mặt chính sách và thủ tục để thuận tiện cho việc xuất khẩu vải.

Theo đó, Australia đã chấp thuận việc chiếu xạ tại Hà Nội. Cùng với đó, nhờ ứng dụng những cải tiến về công nghệ, việc bảo quản quả vải tươi có thể kéo dài đến 35 ngày, thuận lợi cho việc xuất khẩu bằng đường biển.

Riêng với thị trường Nhật Bản, đến nay chất lượng vải các vùng vải xuất khẩu (Bắc Giang, Hải Dương) đều đạt các yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu và các điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải sang Nhật đều đã sẵn sàng. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán với phía Nhật Bản để tiến tới phía Nhật chuyển giao phần giám sát cho phía Việt Nam do chuyên gia Nhật chưa thể trực tiếp sang Việt Nam vì dịch COVID-19.

Lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Singapore, Mỹ, Australia - Ảnh 1.

Nông dân Lục Ngạn thu hoạch vải thiều sớm. Ảnh: Báo Bắc Giang

Tại Bắc Giang, trà vải thiều sớm năm nay bắt đầu cho thu hoạch, giá bán dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg.

Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến quốc tế xúc tiến tiêu thụ vải

Khâu tiêu thụ vải thiều đã được tỉnh lên kế hoạch từ đầu tháng 5 với 3 kịch bản, trong đó, nếu xuất khẩu khó khăn do dịch bệnh, việc tiêu thụ sẽ tập trung vào thị trường trong nước.

Tại vùng vải Lục Ngạn, UBND huyện cho biết thương nhân nước ngoài đến mua vải sẽ phải cách ly đủ 14 ngày theo quy định. Với thương nhân Trung Quốc, tỉnh sẽ đón tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn).

Báo Bắc Giang thông tin đến thời điểm này có 260 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Để bảo đảm phòng chống dịch, huyện đã khảo sát và bố trí 20 nhà nghỉ trên địa bàn để phục vụ cách ly. Các cơ sở cách ly đều bố trí công an, nhân viên y tế trực 24/24 giờ; bảo đảm cơ sở vật chất, nơi ăn nghỉ cho khách theo quy định; nội quy cơ sở cách ly được viết bằng 3 thứ tiếng (Việt - Trung - Anh)…

Về công tác tiêu thụ vải thiều năm 2020, ngày 24/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang gửi văn bản đề xuất Bộ Công Thương đồng chủ trì hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 - hội nghị trực tuyến đầu tiên quy mô quốc tế về xúc tiến tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang.

Hội nghị bắt đầu từ 8h-11h (giờ Việt Nam) ngày 6/6/2020.

Hội nghị có tổng cộng 64 điểm cầu. Tại Việt Nam có 62 điểm cầu, gồm 1 điểm cầu tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, 1 điểm cầu tại UBND tỉnh Lào Cai, 1 điểm cầu tại UBND tỉnh Lạng Sơn và 59 điểm cầu tại cơ quan viễn thông các tỉnh, thành phố. Hai điểm cầu còn lại thuộc tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).

Tỉnh Bắc Giang cũng đã đề nghị Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi,Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ mời gọi và kết nối các tập đoàn phân phối như: Aeon, Mega Market, Lotte, Central Group… các doanh nghiệp kinh doanh trái cây, nông sản, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng tham gia tiêu thụ vải thiều.

Cơ quan chức năng Bắc Giang dự kiến năm nay, sản lượng vải thiều của tỉnh ước đạt 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; thời gian thu hoạch từ 20/5-10/7.

Theo Thanh Xuân

Chinhphu.vn

Trở lên trên