Loại cây cảnh được ví là 'thuốc bổ' của mọi gia đình Việt, tốt như sâm
Thường được trồng làm cảnh, cây đinh lăng không hề xa lạ với người Việt. Loại cây này được ví tốt như nhân sâm, là thuốc bổ của mọi gia đình.
- 25-09-20237 loài cây cảnh ưa nắng là lựa chọn hàng đầu để bạn phủ xanh không gian sống
- 02-07-2023Thấy cây cảnh cứ chết dần chết mòn, người đàn ông sinh nghi đặt máy quay rồi sốc nặng trước kết quả
- 16-06-202310 loại cây cảnh không cần nhiều nắng và làm mát nhà
Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 3), cho hay, cây đinh lăng được trồng làm cảnh, có nhiều dược tính có lợi cho sức khoẻ. Cây đinh lăng còn được coi là "nhân sâm của người nghèo". Người dân thường dùng lá cây ăn sống với gỏi, rễ để ngâm rượu.
Lợi ích của đinh lăng
Theo khoa học hiện đại, cây đinh lăng có chứa alcoloid, glucozit, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B, các axit amin.
Một nghiên cứu vào năm 1961 tại Việt Nam cho thấy nước sắc rễ đinh lăng có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể trên thí nghiệm cấp tính tương tự nhân sâm; làm tăng sức đề kháng của chuột đối với tác hại của bức xạ siêu cao tần…
Theo thực nghiệm trên người, viên bột rễ đinh lăng làm tăng khả năng chịu đựng của bộ đội, vận động viên thể dục thể thao trong các nghiệm pháp gắng sức cũng như tập luyện.
Theo Đông y, dược liệu đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Tác dụng dược lý và chủ trị của đinh lăng tùy vào từng bộ phận.
- Phần thân, rễ đinh lăng có khả năng tăng cường tuần hoàn máu, giúp lưu thông khí huyết.
- Phần lá có khả năng giải độc, chống dị ứng, ho ra máu, kiết lị.
Theo bác sĩ Vũ, cây đinh lăng có thể được dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, tiêu hóa kém, nhức đầu, ho ra máu, thấp khớp, đau nhức xương khớp, tắc tia sữa, người hư yếu, ho khan kéo dài.
Tại Ấn Độ, đinh lăng còn được dùng để chữa sốt, làm săn da.
Một số bài thuốc hay từ cây đinh lăng
- Chữa mệt mỏi, biếng hoạt động: đinh lăng dùng rễ phơi khô, thái mỏng 0,5g, thêm 100ml nước, đun sôi trong 15p, chia 2-3 lần uống trong ngày.
- Chữa vết thương: giã nát lá đinh lăng đắp lên.
- Chữa sưng đau cơ khớp, vết thương: Lấy 40 g lá tươi giã nhuyễn, đắp vết thương hay chỗ sưng đau.
- Chữa đau lưng mỏi gối: Dùng thân cành đinh lăng 20 – 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.
- Chữa liệt dương: Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g, sa nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa viêm gan: Rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g, tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp.
- Chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ: Lá đinh lăng khô 10g sắc chung với 200ml nước, uống trong ngày.
- Chữa hen suyễn lâu năm: Lấy rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, tang bạch bì, nghệ vàng, tần dày lá tất cả đều 8gr, xương bồ 6gr, gừng khô 4gr, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
- Thông tia sữa, căng vú sữa: rễ đinh lăng 30-40g, thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng. Uống luôn 2-3 ngày, vú hết nhức, sữa chảy bình thường.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cảnh báo không nên dùng đinh lăng với liều cao vì có thể bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Khi dùng đinh lăng làm thuốc nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.
Phụ nữ Việt Nam