Loài cóc xâm lấn có khả năng đầu độc cá sấu, làm chó bị nghiện khiến Australia kêu gọi tiêu diệt
Loài cóc này không chỉ giết chết cá sấu mà còn có thể khiến những con chó bị nghiện sau khi tiếp xúc với chúng.
Loài cóc có thể giết cá sấu trong 15 phút
Vào mùa khô ở Kimberley nằm ở phía bắc Australia, những dòng sông nơi đây cạn tới mức chỉ còn là vũng nước. Lúc này, những con cá sấu thường tụ tập thành nhóm lớn. Theo tiến sĩ Georgia Ward-Fear, nhà sinh thái học ở Đại học Macquarie thì nước cạn kiệt khiến nguồn thức ăn trở nên khan hiếm. Không chỉ có cá sấu mà những con cóc mía cũng tìm tới những nơi có nước để giải tỏa cơn khát.
Tuy nhiên, nhiều cuộc đụng độ xảy ra và kết quả là những con cá sấu bị chết hàng loạt vì cóc mía. Tổng lượng nọc độc tồn tại trong cơ thể của cóc mía đủ để giết chét một con cá sấu lớn, và thường những kẻ săn mồi xấu số sẽ chết sau 15 phút sau khi ăn cóc mía.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong số những hậu quả do cóc mía mang lại kể từ khi 102 cá thể được nhập vào Australia từ cách đây 100 năm trước. Ban đầu, cóc mía được chọn nuôi với mục đích ăn bọ cánh cứng gây hại cho cây mía. Loài cóc này tỏ ra vô dụng trong kiểm soát bọ cánh cứng nhưng lan rộng từ bắc tới tây Australia.
Cóc mía (danh pháp khoa học: Rhinella marina) là một loài cóc thuộc chi Rhinella, họ Bufonidae. Cóc mía sống ở các khu vực nhiệt đới của Trung và Nam Mỹ, chiều dài trung bình của chúng chỉ từ 10-15 cm, và con lớn nhất có thể lên tới 24 cm. Đây là loài cóc lớn nhất thế giới.
Cá thể cóc mía có thể có màu xám, hơi vàng, đỏ-nâu, hay ô liu-nâu. Mặt bụng có màu kem và có thể có các mảng màu đen hay nâu. Đồng tử nằm ngang và mống mắt màu vàng. Ngón chân sau có các màng hóa thịt ở gốc, và ngón chân trước không màng. Chúng có tuổi thọ từ 10 đến 15 năm trong tự nhiên và có thể sống lâu hơn đáng kể trong điều kiện nuôi nhốt.
Loài cóc biến những con chó thành "con nghiện"
Trên bề mặt cơ thể của cóc mía có các tuyến nọc độc và nếu đủ liều lượng thì chất độc này có thể khiến cho con người cảm thấy khó thở thậm chí mù mắt. Giống như cóc trưởng thành, trứng và nòng nọc của cóc mía cũng có độc, nhưng độ độc của chúng thấp hơn. Da của cóc mía cũng có độc tính cao, phía trên mắt chúng có phần lồi lên như khối u và kéo dài đến mũi, phía sau mỗi mắt có một tuyến độc lớn ẩn trong những khối u đó.
Khi bị đe dọa, các tuyến này tiết ra một chất dịch màu trắng sữa gọi là độc tố cóc. Đây là hỗn hợp của 14 hợp chất khác nhau, trong đó có nhiều hợp chất gây hại cho nhiều loài động vật, trong đó có một chất hóa học gọi là Benfotiamine.
Theo quy định của luật pháp Úc, chất này được liệt vào danh sách ma túy Bảng 9 cùng với heroin và LSD. Như vậy, mỗi con cóc mía là một "nhà máy sản xuất" chất gây ảo giác di động.
Đặc biệt, sau khi tiếp xúc với chất gây ảo giác trên da của loài cóc mía, những con chó nhanh chóng trở thành những "con nghiện" như dùng ma túy. Sau mỗi lần "sử dụng chất kích thích", những con chó có các triệu chứng như lắc đầu, chảy nước dãi, nôn mửa, trường hợp nặng còn có thể gây co cứng cơ, co giật, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.
Do không có thiên địch, sự hiện diện của cóc mía ở Australia đã khiến cho những loài động vật ăn thịt bản xứ chuyên ăn ếch như cá sấu nước ngọt, cự đà, rắn và mèo túi tìm cách ăn thịt và bị giết chết bởi độc tố của chúng. Chỉ sau một thời gian, số lượng cóc mía ở Australia đã nhanh chóng lên hơn 1,5 tỷ con. Hiện nay loài cóc mía đã chiếm hơn 1 triệu km vuông đất ở Australia, tương đương với tổng diện tích của Texas và Oklahoma. Người dân đã cố gắng bắt thủ công bằng tay hoặc lập rào chắn nhưng không ngăn được tốc độ đẻ trứng và phát triển của loài cóc này.
Theo chuyên gia về loài xâm hại Nikki Tomsett của Watergum thì một con cóc cái có thể đẻ tới 70.000 con nòng nọc mỗi năm và sống tới 15 tuổi. Điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi thức ăn. Những năm trước, chính phủ khuyến khích người dân săn và giết cóc mía, đồng thời cư dân địa phương cũng đưa ra nhiều biện pháp đối phó để "hành hạ" và kiểm soát số lượng của chúng một cách vô cùng tàn khốc.
Hiện nay, nhiều chuyên gia đã hướng dẫn mọi người các giết cóc mía bằng phương pháp trợ tử ít gây đau đớn nhất cho chúng là đông lạnh. Phương pháp đông lạnh bao gồm đặt con cóc trong tủ lạnh 24 giờ khiến chúng lịm đi, sau đó chuyển vào tủ đông để giết chúng mà không gây đau đớn. Mặc dù đã có kết quả khả quan nhưng nhiều người đánh giá cách làm này chỉ có hiệu quả ngắn hạn. Họ cho rằng để thực sự cắt giảm số lượng cóc, cần ngăn chặn chúng sinh sản và bẫy nòng nọc là biện pháp hữu hiệu nhất.
*Nguồn: The Guardian, Newsweek
Đời sống Pháp luật