MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại đặc sản "anh em" với sứa đang hot rần rần trên MXH, biết cách ăn thì giòn ngon vô cùng

02-04-2024 - 17:36 PM | Sống

Dạo này nuốc Huế bỗng dưng được nhiều người quan tâm, nhưng không phải ai cũng biết cách ăn loại đặc sản được mệnh danh là "sashimi" này.

Đã bao đời nay, người dân xứ Huế vốn rất quen thuộc và tự hào về con nuốc - một món ăn rất lành của mảnh đất cố đô. 

Con nuốc - Đặc sản mát lành của xứ Huế

Trời bắt đầu vào hè, khắp các chợ mạng hoặc diễn đàn ăn uống, ngay cả đến các Tiktoker trên MXH cũng mua nuốc về ăn thử khiến cho món ăn này ngày càng viral. Nhiều người lần đầu tiên nghe đến tên gọi nuốc và khi nhìn thấy chúng thì khẳng định mười mươi rằng đó là con sứa con.

Loại đặc sản
Loại đặc sản

@tutafood

Nuốc, hay con nuốt là loài nhuyễn thể, là họ hàng với sứa nhưng không phải sứa, chúng chỉ nhỏ tầm quả chanh mà thôi. Nuốc có nhiều vào mùa hè ở vùng đầm phá nước lợ. Khi dưới nước thì chúng vẫn có màu trong suốt ngả xanh, khi ra khỏi nước chúng sẽ đổi sang màu trắng sữa xen xanh da trời hoặc hồng nhạt. Ngoài ra, tùy vào con nước thì màu nuốc sẽ đậm nhạt khác nhau. Hơn nữa, đối với người dân Huế, nuốc ngon và lành hơn sứa rất nhiều. Chưa kể, sứa thì có thể có quanh năm nhưng với nhiều người, nuốc chỉ có một mùa, bởi vậy, họ phải săn tìm loại nuốc ngon nhất để thưởng cho cái bụng của mình.

Khẩu vị mỗi người mỗi khác, ngay cả với con sứa, người thì cho rằng sứa giòn ngon và mát, người thì lại thấy sứa nhạt nhẽo không hấp dẫn. Với nuốc cũng vậy, người ăn được thì cho rằng nuốc giòn ngon, mát lành, cũng có người thấy nuốc tanh và không ngon. 

Dẫu vậy, phải có kinh nghiệm ăn và chọn nuốc mới hưởng hết được vị ngon mát của loại đặc sản mùa hè này. Thông thường, có hai loại nuốc để phân biệt, loại nuốc tai hoặc phần thân màu trắng, ăn mềm, giá cũng rẻ hơn. Phần nuốc tai xòe như chiếc mũ nấm, khi ăn vào chúng cũng mềm và mọng nước. Nuốc chân màu xanh đậm hơn, giòn, ngon và cũng đắt hơn. Nuốc tai có những cái chân dài chừng 1-2 đối tay, nhìn thấy rõ rệt những cái chân răng cưa, giòn sần sật. Chính vì thế, những người ăn nuốc lâu năm cho rằng muốn ăn nuốc ngon mùa hè nên chọn nuốc màu xanh, ăn vừa ngon ngọt lại giòn mát.

Loại đặc sản
Loại đặc sản
Loại đặc sản

@thuytruong

Một điểm thú vị khiến nuốc trở thành đặc sản mùa hè đắt hàng hơn cả sứa do nuốc sống ở vùng nước lợ nên không bị mặn quá và mùi vị cũng thanh hơn sứa. Nếu như có nhiều người bị kích ứng với sứa thì nuốc lành hơn nhiều. Trên chợ mạng, nhiều người hiện rao bán nuốc Huế khoảng 90.000 đồng (500g), thậm chí đến 100.000 đồng/500g, nhưng ở Huế, du khách có thể thưởng thức nuốc chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/suất. 

Nuốc Huế làm món gì ngon?

Để chế biến nuốc thành những món ngon, việc sơ chế nuốc rất quan trọng. Nuốc sau khi mua về, mang rửa kỹ với nước ấm, cho nuốc vào nước lạnh sạch để nuốc được săn và giòn hơn. Lúc gần ăn mới vớt ra và vắt nhẹ cho ráo nước. Nếu vớt ra sớm, nuốc sẽ bị teo và mềm lại, ăn không được giòn. Nếu ăn chưa hết có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh vài ngày, nhưng tốt nhất là nên ăn hết luôn trong một lần để đảm bảo nuốc tươi và ngon.

Ở Huế muốn ăn nuốc ngon, nhiều người mách rằng nuốc Cầu Hai là ngon nhất. Nuốc nhỏ tròn như cái chén mắt trâu, màu xanh da trời, ăn giòn sần sật mà lại mát. Nuốc ngon nhất khi bắt đầu vào mùa, đó là tháng cuối mùa xuân chuyển sang đầu hè, từng mảng nuốc nổi nhiều, bà con chỉ việc vợt nuốc lên thuyền. Mùa nuốc cũng chỉ kéo dài vài tháng, người đi chợ sớm mà thấy nuốc sẽ mua ngay, vì chẳng biết đến khi nào mới được ăn lại lần nữa. 

"Sashimi" nuốc

Thực ra, đây là cách nhiều thực khách gọi với món nuốc ăn sống chấm với mắm ruốc. Mắm ruốc đặc sản Huế được pha thêm tỏi ớt giã nhỏ, đường, vắt thêm chút nước cốt chanh. Và đặc biệt, không thể thiếu được các loại ăn kèm đó là vả thái mỏng, chuối chát thái lát, khế chua hoặc các loại rau thơm khác tùy thích như húng lủi, húng quế,...

Loại đặc sản
Loại đặc sản
Loại đặc sản
Loại đặc sản

Vị mát lạnh, mịn màng của nuốc cùng với vị chát của vả, thêm vị mặn mòi của ruốc hợp nhau đến vô cùng. Hương vị được thăng hạng khi có thêm mùi thơm của các loại rau thơm. Chính vì vậy, giữa tiết trời oi ả của mùa hè, món ăn giải nhiệt này được nhiều người ưa thích nhất. Dù là người dân sống ở Huế lâu năm hay một lữ khách ghé nơi đây vài ngày vào mùa nuốc, ai cũng muốn thử một lần hương vị tươi ngon, mát lành của loại đặc sản chỉ có 1 mùa trong năm này.

Loại đặc sản
Loại đặc sản

Bún giấm nuốc

Một món khác cũng được ưa thích ở Huế vào mùa nuốc chính là món bún giấm nuốc. Nuốc tươi ngâm với lá ổi cho giòn. Phần nước chấm là phần đặc sắc của món bún giấm nuốc. Nước tôm thịt làm từ thịt ba chỉ và tôm tươi, sau khi ướp với gia vị thì mang um trên lửa nhỏ để phần nước cốt sánh vàng tiết ra. Sau đó, nêm với ít ruốc Huế cho đậm đà cùng ít cà chua để có vị chua tự nhiên.

Trong bát bún giấm nuốc có bún trắng, tôm cam, cà chua đỏ, rau thơm, bắt chuối, chả cá, lạc giã nhỏ, bánh tráng nướng chiên giòn hòa lẫn với màu nuốc xanh đủ để khiến bất cứ ai cũng phải thòm thèm thử ngay một miếng.

Loại đặc sản
Loại đặc sản

@manhmeotnt

Cứ vậy, thứ sản vật trời ban cho người dân xứ Huế đậm đà tình thương ngày càng được nhiều người biết đến. Dù nhỏ bé, nhưng con nuốc mát lành ấy lại khắc sâu vào bản đồ ẩm thực xứ Huế, để mà ai đến rồi cũng thương, cũng nhớ...

PV

Tổ quốc

Trở lên trên