Loại gỗ triệu cây mới có một ở Việt Nam: Đại gia Nhật, Trung dốc cả hầu bao không mua nổi vì quá hiếm
Giá của loại gỗ này lên tới hàng chục tỷ đồng cho 1 kg là chuyện bình thường.
- 21-03-2024Loại cây gỗ mọc đầy tại Việt Nam lại là báu vật cực quý hiếm của thế giới: Thu về hơn 30 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, nước ta vượt Trung Quốc là 'trùm' toàn cầu
- 14-12-2023Kỳ lạ loại cây gỗ mỗi năm cao thêm 7m, Trung Quốc muốn trồng ở nhiều nơi: Mang lại món lợi kinh tế bất ngờ
- 17-11-2023Ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia
Hồi đầu tháng 4/2024, một loại gỗ đột nhiên trở nên sốt bởi tin đồn một người ở Phú Yến trên rừng Đèo Cả tình cờ tìm được và bán được 10 tỷ đồng, báo Dân Trí đưa tin. Đó chính là kỳ nam. Sau đó, nhiều người đã mang theo vật dụng như cuốc, xẻng, xà beng… leo núi để mong tìm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, dù tìm kiếm trong nhiều ngày, họ vẫn chưa thấy kỳ nam.
Người được đồn là trúng kỳ nam bán được 10 tỷ đồng sau đó cũng lên tiếng phủ nhận thông tin này. Trưởng Công an thị xã Đông Hòa, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) đã lên tiếng đính chính, đến nay không còn người dân nào tại khu vực đồn đoán có kỳ nam ở trong rừng Đèo Cả.
Kỳ nam là gì mà giá cả của nó lại "trên trời" như vậy?
Loại gỗ quý do thiên nhiên ban tặng
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, trầm hương còn gọi là kỳ nam, trà hương, dó bầu…, có tên khoa học là Aquilaria agallocha Roxb., thuộc họ trầm (Thymelacaceae). Kỳ nam còn có tên kỳ nam hương thường dành cho loại trầm quý nhất, giá đắt gấp 10-20 lần trầm hương.
Trên thế giới chi trầm có khoảng 8 loài, phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới từ Ấn Độ đến Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc, Việt Nam là nước có nhiều trầm hương.
Việt Nam hiện có 3 loài gió được định danh là Aquilaria crassna (cây dó bầu); Aquilaria baillonii (cây dó baillonii); Aquilaria banaensis (cây dó Bà Nà). Dó bầu là cây trung tính, lúc nhỏ ưa bóng, khi lớn thiên về sáng, mọc rải rác trong các khu rừng ẩm nhiệt đới nguyên sinh hoặc thứ sinh, xanh quanh năm, sống thích hợp trong rừng hỗn giao, cây lá rộng. Chúng thường được tìm thấy ở các tỉnh như Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận đến Tây Nguyên, An Giang, Kiên Giang và đảo Phú Quốc.
Theo trang Oddity Central, tại Nhật Bản, kỳ nam trở thành một loại hương liệu quý hiếm được sử dụng trong ngành công nghiệp nước hoa và ngành sản xuất nhang. Tờ Laitimes cho biết, Trung Quốc luôn coi kỳ nam là một loại thảo dược quý.
Chia sẻ cùng báo Thanh Niên, lương y Trần Duy Linh ở Tp. Hồ Chính Minh cho biết: "Kỳ hương hay còn gọi là kỳ nam được tạo thành từ cây dó lâu năm. Dó có 3 loại thường gặp: dó lưỡi trâu; dó lang và dó bầu. Trầm hương có xuất xứ từ hai loại dó lưỡi trâu và dó lang. Còn cây dó bầu (có tên khoa học là Aquilaria Agallochea thuộc họ trầm hymelaeaceae) thì tạo thành kỳ nam. Dó tự mọc trong rừng, phát triển thành cổ thụ, thường mọc ở các vùng núi miền Trung (như Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam...).
Đông y gọi kỳ nam là "già nam", ngoài ra còn có những tên gọi khác như: già nam hương, nhự nam hương, lục kết, mật kết, sạn hương, hổ ban kim ty kết và kỳ nam hương".
Theo Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 29 thì "Hương ấy là do lõi cây dó kết thành. Dó có 3 loại: dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành trầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam."
Không phải cây dó nào cũng có kỳ nam. Một số cây dó có bệnh mới chứa trầm ở phần lõi của thân. Phần này khi quan sát qua độ phóng đại của kính lúp, ta thấy các tế bào gỗ thoái hóa, biến dạng, mất mộc tố, chứa một chất nhựa thơm (tinh dầu), biến thành những khối hình thể không đều, lồi lõm, có rãnh dọc, trong trong, màu sậm; đó là kỳ nam.
Để chọn được kỳ nam tốt ta cần quan sát phần gỗ có sớ nhuyễn mịn, có nhiều tinh dầu là tốt, còn loại nào rắn chắc và ít dầu là xấu. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cũng cho biết cách phân biệt giá trị của trầm hương và kỳ nam: "Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng; kỳ nam thì mềm, nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng; đốt trầm hương thì khói hết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài…".
Dân gian có mẹo gói kỳ nam vào lá chuối thật kín rồi đem phơi nắng, đến tối đem vào nếu có nhiều chất dầu chảy ra là tốt. Ngoài ra, kỳ nam muốn bảo quản tốt và lâu thì nên bọc vào giấy thiếc hoặc bỏ vào hộp có nắp đậy kín để tinh dầu khỏi bay hơi hoặc chảy bớt.
Theo báo Tuổi trẻ, kinh nghiệm của những người đi tìm trầm cho hay, những cây dó cao 30-40 mét trở lên, lá đã vàng và nhỏ dần dần, thân cây có nhiều u bướu như những tổ kến hoặc gốc có gò mối đóng thì nhiều khả năng có kỳ nam. Kỳ nam thường nằm ở trên ngọn, thân hoặc rễ cây.
Cũng theo Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 29 còn ghi lại thổ sản ở tỉnh Khánh Hòa rằng: "Kỳ nam: Sản ở sơn man. Dân xã An Thành huyện Tân Định, hằng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nộp thay bằng trầm hương. Xét sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn: Kỳ nam sản xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là hạng tốt nhất, sản xuất từ Phú Yên và Quy Nhơn là thứ nhì…".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Trầm hương tỉnh Khánh Hòa, người có kinh nghiệm 40 năm nghiên cứu về trầm hương, kỳ nam, cho biết kỳ nam có 4 loại gồm "nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc". Bạch kỳ có màu như lá chuối non, khi nạo ra một lớp để một thời gian sẽ có màu trắng; thanh kỳ cũng có màu lá chuối non, nhưng khi nạo vào thì có màu đen; huỳnh kỳ có màu vàng đậm, thường xuất hiện ở các vùng thuộc tỉnh Bình Thuận; kỳ hắc có màu đen, cứng, nặng, độ tê lưỡi và mùi thơm ít hơn.
Loại gỗ có giá tiền tỷ được đại gia mê đắm
Các yếu tố quyết định giá kỳ nam gồm lượng dầu có trong gỗ, khả năng chìm nổi của khối gỗ và kích thước của nó.
Nếu kỳ nam có lượng dầu tốt, khối lượng lớn hơn 1kg, có thể làm vòng trang trí, giá thu mua dao động từ 10 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/kg là chuyện bình thường.
Hơn nữa, theo Vietnamnet, không phải cây dó nào cũng cho trầm. Cả nghìn cây mới có một cây cho trầm, cả triệu cây mới có cây cho kỳ. Thời gian cây gỗ tạo ra kỳ nam phải mất tới 50 năm đến hơn 1000 năm tích trầm. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi kỳ nam luôn nằm trong số những loại gỗ quý hiếm và có giá trị kinh tế cao nhất.
Trong số 4 loại kỳ nam, bạch kỳ nam là loại gỗ quý hiếm nhất, giá của nó có thể lên đến 50 tỷ đồng/kg. Thời gian lên men của bạch kỳ nam phải mất khoảng hơn 3000 năm trở lên.
Thanh kỳ nam xếp thứ hai, huỳnh kỳ nam xếp thứ ba và cuối cùng là hắc kỳ nam.
Trong giới săn kỳ nam thế giới, kỳ nam của Việt Nam là nổi tiếng nhất. Loại gỗ này cũng rất có giá trị trên thị trường quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay, sản lượng kỳ nam của Việt Nam dần trở nên khan hiếm trước nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Nhiều đại gia Nhật Bản, Trung Quốc dù sẵn sàng bỏ ra núi tiền cũng không có để mua.
Kỳ nam có giá trị cao không chỉ nhờ vào sự quý hiếm mà còn do các công dụng tuyệt vời đối với việc chữa bệnh.
Trong Đông y, kỳ nam là một vị thuốc hiếm và đắt trong đông y, người ta coi nó có vị cay, tính hơi ôn. Kỳ nam có công dụng giảm đau, noãn thận, kiện vị, giáng khí, tráng nguyên dương và ôn trung. Chủ trị các bệnh như suyễn cấp, khí nghịch, chứng tinh lạnh ở nam giới, tiêu chảy, thận hư, chống nôn, bí tiểu tiện.
Theo Tây y, kỳ nam có tác dụng giảm biên độ co bóp ruột ở mèo được tiêm acetylcholine. Ngoài ra, nó còn làm giảm nhu động tự nhiên của đường ruột. Dạng chiết của dược liệu có tác dụng chống co thắt cơ trơn và ức chế co bóp tự chủ của hồi tràng chuột lang do acetylcholine và histamine gây ra.
Ngoài ra, người ta còn dùng kỳ nam trích tinh dầu để pha chế các loại nước hoa; làm vòng đeo tay, hạt chuỗi vừa làm đồ trang sức (hương thơm lưu giữ hằng mấy chục năm), vừa có công dụng trị gió, tránh được cảm mạo.
Tổng hợp
Đời sống và Pháp luật