MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại hoa được bán với giá cao, người dân đổ xô đi mua để 'diệt' ung thư: Tác dụng thực sự là gì?

13-08-2024 - 21:25 PM | Sống

Trước kia, cây hòe thường được người dân trồng làm cảnh, lấy bóng mát. Tuy nhiên, hiện nay, cây được trồng với mục đích thu hái hoa hòe để làm dược liệu.

Thực hư thông tin "Hoa hòe giúp diệt tế bào ung thư"

Hoa hòe được đánh giá là cây dược liệu mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân. Thời gian qua hoa hòe được nhiều người truyền tai nhau là "có khả năng diệt tế bào ung thư". Thông tin này khiến cho hoa hòe trở thành mặt hàng hot, được nhiều người dân săn đón và tìm mua.

Trên một số sàn giao dịch thương mại điện tử, hoa hòe được bán với giá không hề rẻ. Hoa hòe khô được rao bán với giá lên tới 250.000-350.000đ/1kg.

Vậy, hoa hòe có tác dụng "chữa" ung thư không? Về vấn đề này, bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 cho hay, một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất trong hoa hòe như: rutin và quercetin có khả năng chống oxy hóa, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trong các nghiên cứu thí nghiệm. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn chưa có bằng chứng khoa học đủ mạnh để khẳng định hoa hòe có tác dụng "chữa" ung thư.

Loại hoa được bán với giá cao, người dân đổ xô đi mua để 'diệt' ung thư: Tác dụng thực sự là gì?- Ảnh 1.

Hoa hòe được nhiều người truyền tai nhau là "có khả năng 'diệt' tế bào ung thư". (Ảnh minh họa)

"Các tác dụng chống ung thư của hoa hòe nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ và chưa thể thay thế cho các phương pháp điều trị chính thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Vì vậy, người dân không nên sử dụng 1 mình hoa hòe để 'điều trị' ung thư mà cần dùng kết hợp với các phương pháp điều trị được bác sĩ chuyên khoa chỉ định", bác sĩ Duy cho biết.

Bác sĩ Duy lưu ý thêm, nếu người dân muốn sử dụng hoa hòe trong hỗ trợ điều trị ung thư thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Có nên uống nước hoa hòe thay trà?

Hoa hòe là một vị thuốc thường dùng trong Đông y với tính hàn, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết (cầm máu) và làm mát cơ thể.

"Dược tính của hoa hòe giúp cầm máu, dùng trong các trường hợp xuất huyết như chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy hoa hòe chứa rutin, một loại flavonoid có tác dụng tăng cường sức bền của thành mạch máu, giảm nguy cơ xuất huyết và hỗ trợ điều trị tăng huyết áp", bác sĩ Duy nói.

Bác sĩ Duy cho hay, nước hoa hòe được sử dụng phổ biến vào mùa hè để giải nhiệt và uống thay trà hàng ngày. Việc uống nước hoa hòe hàng ngày không gây hại sức khỏe nếu người dân sử dụng đúng liều lượng.

Tuy nhiên, do hoa hòe có tính hàn nên những người có tỳ vị hư hàn hoặc những người có triệu chứng tiêu chảy, lạnh bụng, dễ bị lạnh chân tay nên cẩn thận khi sử dụng hoặc hạn chế sử dụng nước hoa hòe thường xuyên.

Phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi cũng không nên sử dụng hoa hòe khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, bác sĩ Duy lưu ý việc sử dụng quá mức hoa hòe cũng có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, lạnh bụng hoặc làm suy giảm chức năng tiêu hóa.

Liều lượng sử dụng hoa hòe để đảm bảo sức khỏe

Theo bác sĩ Duy, để sử dụng hoa hòe hiệu quả, liều lượng khuyến nghị thường là từ 5-10 gram hoa hòe khô cho mỗi lần pha trà, uống 1-2 lần trong ngày. Nếu sử dụng dạng bột, người dân có thể sử dụng từ 3-5 gram mỗi lần pha. Khi sử dụng hoa hòe, người dân cần tuân theo chỉ dẫn của các chuyên gia y học cổ truyền và không nên dùng liên tục trong thời gian dài để tránh tác dụng phụ.

Theo Ngọc Minh

Đời sống và pháp luật

Trở lên trên