Loại rau thơm nhỏ bé này của Việt Nam lại có thể khiến người Nhật "phát sốt"
Tương truyền từ khi rau ngò xuất hiện, nước Nhật chia làm hai nửa: Nửa si mê và nửa ngửi thấy là muốn… bỏ chạy.
- 09-05-2019Người Nhật lại tạo ra "đột phá" với nước tương không màu, không cẩn thận là uống nhầm luôn
- 09-05-2019Okinawa - 1 trong những chế độ ăn ở Nhật giúp chị em khỏe mạnh và giữ được cân nặng chuẩn không cần chỉnh
Suốt 700 năm qua, một cuộc nội chiến âm ỉ vẫn diễn ra trong lòng nước Nhật bởi mâu thuẫn dở khóc dở cười: Ăn hay không ăn…rau ngò.
Vốn là loại rau bị hắt hủi…
Người Nhật thường không chuộng các loại nguyên liệu ngoại nhập. Một phần do sự tự hào dân tộc to lớn, một phần do ẩm thực bản địa đã quá đặc sắc với các loại rau củ, trái cây thượng hàng giá vài chục triệu đồng thì cần chi phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài? Rau ngò khi ấy du nhập từ Đông Nam Á sang, chỉ là một... "dân nữ" chìm nghỉm giữa rừng oanh oanh yến yến. Thậm chí nửa dân số Nhật còn nhận xét rằng, loại rau này có mùi như… kem đánh răng và bọ xít. Họ yêu cầu bỏ hoàn toàn rau ngò ra khỏi các công thức Thái hay Việt Nam truyền thống, vì chỉ cần ngửi mùi là đã muốn… bỏ chạy chứ nói gì đến thưởng thức.
Ngoài mùi thơm đặc trưng này, có lí giải cho rằng rau ngò từng bị hắt hủi vì nó đi ngược với nguyên tắc ôn hòa của ẩm thực Nhật. Người Nhật chú trọng sự hài hòa giữa các hương vị, không nhạt quá cũng chẳng hăng quá, và họ đã quen ăn uống "nhàn nhạt" như thế hàng trăm năm rồi. Trái lại hương thơm hăng gắt của rau ngò có khả năng "vùi lấp" toàn bộ các nguyên liệu còn lại trong món ăn Nhật Bản truyền thống.
Người Việt bỏ rau ngò vào thức ăn cho "dậy mùi", nhưng với người Nhật, nó có thể phá hỏng sự cân bằng tuyệt đối của món ăn.
Trở thành "cây hút khách" của loạt nhà hàng
Mắt nhắm mắt mở thế nào, quay đầu vài chục năm, rau ngò đã leo lên hàng "được sủng ái" trong giới ẩm thực Nhật Bản. Báo chí nước ngoài viết về "cơn sốt ngò rí" (coriander craze) tại Nhật Bản, khẳng định các nhà hàng Nhật muốn bán chạy thì cứ bỏ rau ngò vào món ăn, càng nhiều càng tốt!
Sự lên hương của rau ngò phải nhờ đến thế hệ người Nhật trẻ cởi mở. Nửa thập kỉ trở lại đây, rau ngò ngày càng được ưu ái trên ẩm thực toàn cầu vì màu sắc bắt mắt và hương vị đặc biệt, dĩ nhiên người Nhật trẻ cũng "bắt trend" nhanh không kém. Thêm vào đó, những giá trị về sức khỏe và làm đẹp của rau ngò dường như đánh trúng tâm lý cố hữu của người Nhật Bản: Ăn có thể không ngon nhưng nhất định phải đẹp (và khỏe). Thành thử càng ngày càng nhiều người Nhật say mê rau ngò vì nhiều lí do: muốn trải nghiệm hương vị mới lạ, yêu thích sự thơm nồng độc đáo của loại rau từ nước ngoài, hoặc muốn sử dụng rau ngò như một loại thực dưỡng.
Và như bao câu chuyện ẩm thực Nhật Bản lạ lùng khác, người Nhật đã không làm thì thôi, làm là phải... "chơi lớn" cho cả thiên hạ trầm trồ. Muốn biết người Nhật thích rau thơm đến mức nào hì hãy xem loạt ảnh sau. Ở Việt Nam chúng ta điểm "sương sương" vài cọng ngò lên mặt bún, nhưng ở Nhật nó lại thành thế này:
Tempura rau ngò, cơ bản chỉ có rau ngò tươi nhúng bột rồi chiên lên, âu cũng để phù hợp với concept cuồng ngò rí của nhà hàng "Ngôi nhà rau ngò" nơi nó được bày bán.
Còn đây là món cơm rau ngò, nhưng ngò đã che hết cả phần cơm. Xin nhắc lại đây là một món cơm chứ không phải salad đâu nhé!
Món ăn này bày bán tại ga Takada no Bada, mô phỏng theo món gỏi cuốn của Việt Nam nhưng thiết nghĩ nên đổi tên thành ngò cuốn mới hợp lý.
Và đây, một con người mê muội khác của cộng đồng ngò rí: Trồng cả vườn rau thơm trên hộp mì ăn liền.
Bên cạnh đó, nhãn hàng ăn uống cũng tranh thủ không kém khi sản xuất ra loạt snack rau ngò, mì xào ăn liền vị rau ngò, v.v…
Đỉnh điểm là vào năm 2018, lễ hội rau ngò đã được tổ chức tại Nhật bản với hơn 40.000 người tham gia. Mục đích có lẽ là quy tụ những con người "đồng bệnh tương lân" đã trót si mê loại rau này, khi nửa còn lại của đất nước cứ thấy rau ngò là nhăn mặt gắp ra khỏi bát.
Từ nước mắm, sầu riêng đến rau ngò, ta có thể rút ra một chân lý trong giới ẩm thực: Thức ăn không có lỗi, lỗi là ở chúng ta. Không có món ăn nào là dở, chỉ có chúng ta chưa biết thưởng thức mà thôi!
Trí thức trẻ