Loạt 'biệt thự' xây không phép ven sông Hương: Bao giờ xử lý xong các vi phạm?
Vi phạm xây dựng công trình không phép tại dự án nông nghiệp ven sông Hương (TP Huế) được phát hiện qua nhiều tháng, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc thanh tra và có kết luận yêu cầu xử lý, tuy nhiên, đến nay, chưa có tổ chức hay cá nhân nào liên quan vi phạm bị xử phạt, cũng như chịu xử lý kỷ luật.
- 12-08-2021Giao dịch thứ cấp nhà phố, biệt thự Tp.HCM kém sôi động do dịch diễn biến kéo dài
- 07-08-2021Đề xuất cán bộ cấp cao được bố trí biệt thự công vụ có diện tích lớn nhất 500m2
Ngày 22/7/2021, Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh TT-Huế ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng đối với dự án sản xuất nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Go Green Farm (phường Hương Vinh, TP Huế), do Hợp tác xã Go Green Farm làm chủ đầu tư.
Theo kết luận thanh tra, dự án Go Green Farm triển khai xây dựng không phép, chưa được phê duyệt bản vẽ thiết kế thi công… Tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư dự án Go Green Farm đã xây dựng 19 công trình không phép với diện tích khoảng 1.488 m2.
Dự án Go Green Farm đã xây dựng 19 công trình không phép với diện tích khoảng 1.488 m2 |
Đoàn thanh tra còn chỉ ra những tồn tại và bất cập từ việc giám sát của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương.
Từ kết quả thanh tra, lãnh đạo Sở KH&ĐT kiến nghị UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo UBND TP Huế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Hợp tác xã Go Green Farm, kiểm điểm trách nhiệm đối với UBND phường Hương Vinh; kiến nghị UBND thị xã Hương Trà kiểm điểm trách nhiệm Đội Quy tắc đô thị do nhiều lần phát hiện, lập biên bản các vi phạm của dự án nhưng không đề xuất biện pháp ngăn chặn, để chủ đầu tư tiếp tục tái phạm.
Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng nhiều lần phát hiện, lập biên bản các vi phạm của dự án Go Green Farm nhưng không đề xuất biện pháp ngăn chặn, để chủ đầu tư tiếp tục tái phạm |
Đối với chủ đầu tư dự án Go Green Farm, Sở KH&ĐT TT-Huế yêu cầu nghiêm túc chấp hành việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng của UBND TP Huế; buộc ngừng thi công công trình trên thực địa khi chưa được cấp giấy phép xây dựng; khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục về xây dựng theo đúng quy định…
Đến nay, với loạt kiến nghị xử lý các nội dung vi phạm theo kết luận thanh tra là vậy, nhưng UBND TP Huế chưa tiến hành xử phạt hành chính đối với vi phạm xây dựng ở dự án Go Green Farm, cũng như xử lý trách nhiệm của UBND phường Hương Vinh. Tương tự, UBND thị xã Hương Trà cũng chưa tổ chức xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm theo như nội dung thanh tra.
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND TP Huế chỉ cho biết, khi có kết quả xử lý sai phạm sẽ thông tin đến báo chí sau.
Lý do chậm xử lý vi phạm là do sau khi Hương Vinh sáp nhập vào TP Huế từ thị xã Hương Trà vào ngày 1/7/2021, những vấn đề vi phạm tại dự án Go Green Farm xảy ra trước đây, cơ quan chức năng TP Huế cần có thời gian, lộ trình để tiếp quản hồ sơ, tổ chức kiểm tra, xác minh thực địa, xác định hiện trạng một cách thận trọng, kỹ lưỡng. Mặt khác, UBND tỉnh TT-Huế đến nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo UBND TP Huế xử lý vi phạm liên quan dự án Go Green Farm theo nội dung kiến nghị của Sở KH&ĐT.
Đối với thị xã Hương Trà, theo Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Duy Hùng, do tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phòng, chống cháy rừng diễn ra căng thẳng trên địa bàn, hội đồng kỷ luật của thị xã chưa tổ chức họp, nên việc xử lý vi phạm liên quan dự án Go Green Farm chưa thể tiến hành. “Chậm nhất vào tuần tới, hội đồng kỷ luật thị xã sẽ họp để xử lý vi phạm”, ông Hùng cho hay.
Sở KH&ĐT TT-Huế: “Công trình bảo đảm mật độ gộp 5%”
Về vấn đề dự án Go Green Farm vi phạm xây dựng không phép nhiều lần, nguy cơ “bẻ” quy hoạch đôi bờ sông Hương, Sở KH&ĐT TT-Huế cho rằng, UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư lần đầu (ngày 18/5/2017) và điều chỉnh (ngày 28/5/2021) đối với dự án sản xuất nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Go Green Farm có chức năng sử dụng đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao là phù hợp theo Quyết định 649/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 649) về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo Sở KH&ĐT TT-Huế, qua thanh tra, tổng diện tích hiện hữu của các công trình tại dự án bảo đảm mục tiêu và mật độ gộp 5%. Tỷ lệ này phù hợp Quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh của dự án |
Cũng theo Sở KH&ĐT TT-Huế, qua thanh tra, diện tích xây dựng từng khu vực thực tế tại dự án Go Green Farm tuy có xê dịch so với bản thuyết minh, nhưng tổng diện tích hiện hữu của công trình vẫn bảo đảm mục tiêu và mật độ gộp 5%, phù hợp yêu cầu của quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh. Tổng diện tích xây dựng được phê duyệt 1.507m2, còn diện tích thời điểm thanh tra là 1.488m2; chiều cao công trình (xây không phép) qua kiểm tra thực địa tại dự án bằng với mức tối đa cho phép là 9 mét, 2 tầng trở xuống…
Sở KH&ĐT TT-Huế cho rằng, QĐ 649 quy định định hướng thiết kế đô thị, mật độ xây dựng khu vực có mật độ dân cư thấp: khu bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa (kinh thành, khu lăng tẩm phía tây...); khu phố cổ, làng truyền thống: phát triển khu đô thị sinh thái, khu nhà vườn và khu công viên cây xanh, thể dục thể thao có mật độ xây dựng thấp. Tầng cao xây dựng và hệ số sử dụng đất khu du lịch, sinh thái, công viên cây xanh bố trí các công trình có tầng cao thấp hoặc trung bình và hệ số sử dụng đất thấp.
Tại Quyết định chủ trương đầu tư lần đầu (ngày 18/5/2017) đối với dự án Go Green Farm, mật độ xây dựng là 20%... Tháng 12/2019, nhà đầu tư đề nghị giảm mật độ xây dựng gộp xuống còn 5% nhằm tăng tỷ lệ cây xanh, số tầng công trình 1-2 tầng. Đề nghị này đã được UBND thị xã Hương Trà thẩm định, phê duyệt tại Quyết định 174/QĐ-UBND ngày 14/2/2020.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt năm 2014, khu vực Cồn Nhỏ ven sông Hương là đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án Go Green Farm đã ngang nhiên cho xây dựng loạt công trình nhà cửa quy mô, cao tầng không phép; nếu không được ngăn chặn xử lý kịp thời sẽ gây nguy cơ đi ngược quy hoạch được duyệt.
Tiền phong