MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt căn hộ giảm giá không được, giữ cũng chẳng xong: Cơn bĩ cực của ngành bất động sản Trung Quốc

02-11-2023 - 09:23 AM | Tài chính quốc tế

Các chủ dự án muốn giảm giá nhà để kích thích doanh số, nhưng chủ sở hữu cũ lại không muốn mất giá tài sản, còn chính quyền địa phương thì không muốn mất ổn định xã hội.

Loạt căn hộ giảm giá không được, giữ cũng chẳng xong: Cơn bĩ cực của ngành bất động sản Trung Quốc - Ảnh 1.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây cho hay Trung Quốc đang dần nới lỏng quản lý giá nhà nhằm kích thích thanh khoản trên thị trường bất động sản.

Thế nhưng điều này lại đang khiến hàng loạt người đã mua nhà bức xúc vì lo sợ giá nhà sẽ giảm sâu và làm mất giá trị tài sản mà họ đang sở hữu.

Khác với Mỹ, nơi giá cả nhà ở tuân theo quy luật tự do của thị trường, mảng buôn bán bất động sản ở Trung Quốc chịu khá nhiều sự kiểm soát từ chính phủ vì lo ngại những đổ vỡ dây chuyền hay các cú sốc lan rộng trong nền kinh tế.

Loạt căn hộ giảm giá không được, giữ cũng chẳng xong: Cơn bĩ cực của ngành bất động sản Trung Quốc - Ảnh 2.

Xin được nhắc rằng ngành bất động sản Trung Quốc chiếm 1/4 sản lượng kinh tế của đất nước và ít nhất 3/5 tiền tiết kiệm hộ gia đình.

Trớ trêu thay, trong khi những căn nhà ở các thành phố lớn vốn đã tăng trong nhiều năm ở mức giá cao ngất ngưởng thì nhiều dự án mới lại giảm giá mà chẳng có ai mua. Hậu quả là thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào cuộc tranh cãi nên giảm hay nên giữ giá.

Trên chương trình phát bởi đài China News Service trong một hội thảo ở thành phố Dongguan, Cựu Phó giám Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc He Keng cho biết có rất nhiều ước tính về số nhà ở bị bỏ trống hiện nay tại Trung Quốc.

Trong đó nhiều người tin rằng lượng nhà ở bỏ trống này có thể đáp ứng đủ 3 tỷ người, tức nhiều gấp đôi tổng dân số.

Giảm không được, giữ cũng chẳng xong

Tại Huizhou, một tập đoàn bất động sản quốc doanh thuộc hàng lớn nhất nước đã quyết định giảm giá dự án chung cư ở Poly Sunshine Town vào đầu tháng 10/2023 xuống còn một nửa so với năm 2021.

Quyết định này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều cư dân đã mua nhà trong dự án vì cho rằng chúng làm mất giá tài sản của họ.

Nhiều người đã viết thư khiếu nại lên chính quyền địa phương vì cho rằng công ty này có thể làm sụp đổ dây chuyền trên thị trường, đồng thời yêu cầu bồi thường từ phía chủ đầu tư.

Trước áp lực quá lớn, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ dự án dừng giảm giá và vô hiệu hóa toàn bộ hợp đồng của mức giá thấp trước đó.

Trường hợp tương tự cũng đã diễn ra với một dự án bất động sản ở Wuhan và Xiamen vào tháng 10/2023 khi chủ dự án tự ý giảm giá bán để rồi bị phản đối, phải xin lỗi và hủy bỏ chương trình.

Tờ WSJ cho hay Trung Quốc hiện đang khá đau đầu để giải quyết thách thức trong vấn đề giá nhà.

Một mặt, giá nhà tăng cao trước đây do bong bóng thị trường đầu cơ khiến nhiều người không mua nổi bất động sản và gây ra những bức xúc trong xã hội.

Mặt khác, việc hạ giá nhà có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng khi bất động sản thường là nguồn tài sản tiết kiệm chính trong xã hội.

“Đây là một cuộc chiến giằng co giữa chủ nhà, chủ dự án và chính quyền địa phương trong công cuộc dò đáy thị trường”, chuyên gia kinh tế trưởng Bruce Pang của Jones Lang LaSalle nhận định.

Loạt căn hộ giảm giá không được, giữ cũng chẳng xong: Cơn bĩ cực của ngành bất động sản Trung Quốc - Ảnh 3.

Ảnh hưởng lan rộng

Theo WSJ, khó khăn trong mảng bất động sản là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch.

Doanh số bán nhà đi xuống đã khiến những tập đoàn lớn như Country Garden không trả được nợ trái phiếu quốc tế trong tháng 10/2023.

Thêm vào đó, hàng loạt vụ vỡ nợ của các nhà phát triển dự án khác đã rung chuyển toàn thị trường khiến doanh số tiếp tục giảm sâu và càng làm nhiều công ty khó khăn hơn, gây ra một vòng luẩn quẩn.

Tờ WSJ cho hay nhiều hãng bất động sản phải đăng ký giá bán nhà với chính quyền địa phương trước khi được chào bán.

Chính sự kiểm soát chặt chẽ này đã góp phần giữ giá trị cũng như sự ổn định cho thị trường, nhưng vô hình chung lại tạo nên bong bóng nhà đất khó kiểm soát.

Trong vài tháng trở lại đây, chính quyền Bắc Kinh đang kêu gọi các địa phương nới lỏng kiểm soát để ưu tiên tính thanh khoản cũng như doanh số trên thị trường.

Ngân hàng trung ương cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới lỏng tín dụng cho người mua nhà.

Tại nhiều đô thị tầm trung và nhỏ, giới hạn đăng ký giá nhà đã được dỡ bỏ để các chủ đầu tư và người mua tự định đoạt.

Những khu vực chưa được dỡ giới hạn thì chủ đầu tư sẽ lách luật bằng các khuyến mãi như thêm đồ gia dụng miễn phí, chỗ đỗ xe miễn phí hay thậm chí là tặng thêm cả vàng cho người mua.

Bất ổn xã hội

Theo WSJ, những chủ nhà ở Trung Quốc nổi tiếng với thái độ phản đối việc giảm giá.

Ví dụ điển hình là vào năm 2008, văn phòng kinh doanh tại Hangzhou của hãng bất động sản China Vanke đã bị đập phá sau khi công ty này giảm giá bán căn hộ.

Năm 2011, đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã đưa tin về hàng loạt cuộc biểu tình của chủ sở hữu nhà tại Thượng Hải khi một công ty bất động sản giảm giá bán căn hộ.

Tương tự vào tháng 10/2023, hàng loạt video trên mạng xã hội Douyin cho thấy các chủ nhà biểu tình đòi bồi thường tại Xiamen và Huizhou sau khi chủ dự án giảm giá bán căn hộ mới.

Theo đó, một biểu ngữ tại Xiamen cho thấy chủ dự án đã giảm giá căn hộ nửa triệu Nhân dân tệ, tương đương 68.000 USD chỉ sau 1 đêm.

Loạt căn hộ giảm giá không được, giữ cũng chẳng xong: Cơn bĩ cực của ngành bất động sản Trung Quốc - Ảnh 4.

“Chúng tôi mong chính phủ sẽ đứng lên bảo vệ quyền lợi của người dân, qua đó thu hồi những hợp đồng mua bán bất hợp pháp này và bồi thường tổn thất cho các chủ sở hữu”, một người biểu tình nói.

“Duy trì ổn định xã hội là điều tối quan trọng nên chính quyền địa phương thường can thiệp để đảm bảo giá nhà không giảm quá nhiều. Hơn nữa điều này cũng sẽ làm sụt giảm giá bất động sản chung và làm ảnh hưởng nguồn thu bán đất dự án của chính quyền địa phương. Tuy nhiên nếu không giảm giá thì người mua sẽ cảm thấy thị trường chưa chạm đáy và không chịu mua vào, khiến thị trường càng ảm đạm”, giáo sư Tao Ran của trường đại học Hong Kong ở Shenzhen nhận định.

*Nguồn: WSJ

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên