Loạt chuỗi AVA của Thế Giới Di Động nhập cuộc, ngành bán lẻ 'đổi màu'
Thế Giới Di Động vừa chính thức ra mắt tổng cộng 5 chuỗi bán lẻ mới mang thương hiệu AVA. Số lượng 25 cửa hàng được cho là ở giai đoạn "thử nghiệm", tuy không nhiều nhưng có thể mang ý nghĩa lớn với tập đoàn này.
Đây sẽ là giấc mơ thứ 4 của họ để tiến sâu hơn vào sự đa dạng hóa ngành hàng cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Như vậy sau ngày khai trương 10/1, cục diện bán lẻ tại Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều biến chuyển khi 5 chuỗi AVASport, AVAFashion, AVAKids, AVAJi và AVACycle đồng loạt được ra mắt.
Với 5 chuỗi mới, Thế Giới Di Động được cho là sẽ nắm chắc "phần thắng" với AVAJi và AVACycle bởi đây đều là các chuỗi mở theo mô hình "shop-in-shop", nghĩa là tận dụng không gian sẵn có của siêu thị Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, chi phí hầu như không mất thêm mà doanh thu lại tăng lên đáng kể. Với AVAJi, chuỗi này được hình thành dựa trên cơ sở mở rộng ngành hàng đồng hồ, nay bán thêm mắt kính hàng hiệu, đồ trang sức… Đồng hồ vốn là ngành hàng đã được triển khai từ cách đây hơn 2 năm, mang lại thành công lớn với doanh thu hàng năm lên tới 1500-1800 tỷ. AVACycle cũng đã chứng minh thành công khi chỉ trong hơn 1 năm, bao gồm cả những tháng dịch bệnh, chuỗi này đã mở được 150 cửa hàng tại 53 tỉnh thành, trở thành nhà bán lẻ xe đạp có số lượng cửa hàng lớn nhất cả nước hiện nay.
Với các chuỗi còn lại là AVAFashion, AVASport và AVAKids, dù còn những băn khoăn khi một đại gia bán lẻ điện thoại, điện máy nhảy sang các lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng với triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam, giới phân tích cho rằng, dư địa để Thế Giới Di Động phát triển còn rất lớn.
Hiện người tiêu dùng dành nhiều sự ưu ái hơn cho các thương hiệu bản địa và mô hình bán lẻ hiện đại chính là xu hướng hiện nay. Cụ thể, theo McKinsey & Company, cách đây hai thập kỷ, Việt Nam có 10% dân số thuộc tầng lớp trung lưu (được định nghĩa là có đủ thu nhập để trả các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, quần áo, hàng hoá, dịch vụ tuỳ thích khác), nhưng đến nay đã có 40%. Khoảng 4 triệu người đã có chi tiêu mỗi ngày hơn 30 USD, tương đương khoảng 690.000 đồng và ước tính 10 năm sau, con số này là 20 triệu người.
Trong khi đó, theo số liệu của Asia Plus, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD (120.000 - 140.000 tỷ đồng). Sức hút của thị trường còn đến từ sự thay đổi trong hành vi mua sắm của thế hệ Millennials (8X, 9X) và Centennials (10X). Đây là cơ sở để chuỗi AVAFashion nhảy vào khai thác thị trường mặc dù để thành công trong lĩnh vực này là không hề dễ dàng. "Bí quyết" thành công không chỉ nằm ở kinh nghiệm về bán lẻ mà còn là nắm bắt gu thẩm mỹ của thị trường, mẫu mã, xu hướng… CEO Đoàn Văn Hiểu Em thừa nhận điều này và bày tỏ kế hoạch sẽ thiết lập phòng R&D khi dấn sâu vào mảng thời trang. Lĩnh vực này cũng từng chứng kiến nhiều tay chơi đến rồi đi, cũng có những thương hiệu sừng sỏ nước ngoài đặt tham vọng rất lớn cho thị trường Việt Nam nhưng thực hiện thực tế còn chưa được bao nhiêu.
AVASport cũng có những triển vọng nhất định khi thói quen và động lực tập luyện thể thao ngày càng gia tăng. Các chuỗi bán lẻ đồ thể thao hầu như cũng chưa có một tên tuổi nào đáng kể là những cơ hội cho AVASport. Với sự ra đời này, người đam mê thể thao đã có một địa chỉ tin cậy để chọn lựa hàng chính hãng, chất lượng. Mặc dù vậy thị trường cho đồ thể thao tương đối cao cấp và khá kén khách và Thế Giới Di Động sẽ cần phải "vận dụng" tối đa kinh nghiệm bán lẻ của mình để khai phá một thị trường được coi là còn bỏ ngỏ.
Trong số 3 chuỗi AVAFashion, AVASport và AVAKids, AVAKids có vẻ là chuỗi có khả năng thành công nhiều nhất mặc dù ở đây cũng có sẵn một vài tên tuổi. Với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1 - 2 tuổi, Việt Nam là nước đạt tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất Đông Nam Á và là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp trong thị trường mẹ và bé. Quy mô thị trường được dự báo đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 30 - 40%. Lĩnh vực này đặc biệt thiếu các cửa hàng chuyên nghiệp ở nông thôn, vốn là thế mạnh mở của Thế Giới Di Động, đặc biệt khi doanh nghiệp này đã mở rất nhanh tới 800 cửa hàng Điện máy Xanh supermini ở khu vực nông thôn trong 2 năm vừa rồi.
Với dự địa trên, cùng với những kinh nghiệm thành công của các chuỗi trước đó, nhiều người kỳ vọng Thế Giới Di Động sẽ làm nên chuyện. Thực tế, trong các lĩnh vực trước đó, dù là người đi sau, nhưng Thế Giới Di Động đều có sự bứt phá mạnh mẽ, đánh bật nhiều tay chơi đi trước để vươn lên vị trí dẫn đầu. Thậm chí, nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài đã thất bại thu hẹp hoạt động, thậm chí rút lui khỏi thị trường Việt Nam, nhưng Thế Giới Di Động lại không ngừng mở rộng quy mô.
"Thế Giới Di Động vẫn luôn cho thấy bản lĩnh của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ trong bối cảnh kinh doanh đầy biến động", Bộ phận Phân tích, Công ty Quản lý quỹ KIM Việt Nam đánh giá.
Chính vì thế, khi các chuỗi AVA của Thế Giới Di Động nhập cuộc, dự báo ngành bán lẻ sẽ một lần nữa "đổi màu".