MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt cổ phiếu công nghệ tạo đồ thị 'cây thông', quãng thời gian huy hoàng của các cổ phiếu họ FPT, Viettel, Mobifone đã qua?

18-07-2024 - 00:34 AM | Doanh nghiệp

Từ đầu năm cho tới nay các cổ phiếu này đã chứng kiến đà tăng "phi mã" hàng chục đến hàng trăm phần trăm, liên tục thiết lập đỉnh mới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/7, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một phiên giao dịch đỏ lửa khi VN-Index đã giảm hơn 12 điểm về vùng 1.268 điểm. Thanh khoản thị trường đạt mức hơn 29.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều tuần trở lại đây. 

Nhóm công nghệ cũng không nằm ngoài đà giảm của thị trường khi một loạt mã cổ phiếu bị bán mạnh trong phiên 17/7. Có thể kể đến một vài cái tên nổi bật như VGI giảm 9,13%; TTN giảm 10,44%; FOC giảm 7,7%; ABC giảm 6,38%; FOX giảm 5,33% hay FPT cũng giảm 1,57%. 

Loạt cổ phiếu công nghệ tạo đồ thị 'cây thông', quãng thời gian huy hoàng của các cổ phiếu họ FPT, Viettel, Mobifone đã qua?- Ảnh 1.

Cần biết, từ đầu năm cho tới nay các cổ phiếu này đã chứng kiến đà tăng "phi mã" hàng chục đến hàng trăm phần trăm, liên tục thiết lập đỉnh mới. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 7/2024 cho tới nay rất nhiều mã đã giảm giá từ đỉnh như VGI (giảm gần 15%); TTN (giảm 34,2%); MFS (giảm 55%); ABC (giảm gần 39%). Có thể thấy cổ phiếu của nhóm ngành này đang dần tạo nên mô hình cây thông. 

Loạt cổ phiếu công nghệ tạo đồ thị 'cây thông', quãng thời gian huy hoàng của các cổ phiếu họ FPT, Viettel, Mobifone đã qua?- Ảnh 2.

Sự điều chỉnh của các công nghệ gần đây không phải quá bất ngờ mà đã được một số chuyên gia dự báo từ trước, đặc biệt trong bối cảnh nhóm này đã tăng mạnh từ đầu năm. Trong một chia sẻ với chúng tôi vào giữa tháng 6/2024, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết trong ngắn hạn các cổ phiếu công nghệ có thể gặp sự điều chỉnh lớn. 

"Trong quãng thời gian gian qua một số cổ phiếu công nghệ đã tăng trưởng nhanh thì có thể nhóm này sẽ chuẩn bị gặp những đợt điều chỉnh lớn trong ngắn hạn. Đây là một điều không thể tránh khỏi vì chẳng có gì có thể tăng mãi được", ông Thế Minh chia sẻ.

Vị chuyên gia này còn cho biết thêm rằng nhiều nhà đầu tư khi có một mức sinh lời cao với cổ phiếu công nghệ thì họ cũng có thể bán ra để chốt lời. Điều này cũng có thể khiến giá cổ phiếu của nhóm ngành này giảm trong ngắn hạn. Một số nhà đầu tư cũng có thể phân vân trong việc có nên tiếp tục trả giá hay không vì một số cổ phiếu đã có mức định giá quá cao.

Ông Thế Minh cũng phân tích nhà đầu tư cũng đang đặt kỳ vọng quá lớn vào nhóm ngành công nghệ, nhưng đây cũng chỉ là câu chuyện ngắn hạn. Điều này cũng là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu nhóm ngành này tăng nhanh hơn những gì mà các doanh nghiệp này đang thực tế làm được và nhanh hơn cả sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Minh cũng cho rằng khi nền kinh tế phục hồi các nhóm ngành khác cũng sẽ tăng trưởng trở lại, điều này có thể vô hình chung thu hút dòng tiền từ phía công nghệ đầu tư vào. Các doanh nghiệp sản xuất hay bán lẻ bắt đầu hồi phục thì cũng sẽ thu hút một dòng tiền cực lớn. Khi dòng tiền giảm bớt cũng có thể khiến cổ phiếu ngành công nghệ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Cổ phiếu công nghệ vẫn còn nhiều hấp dẫn về dài hạn

Trái ngược với những nhận định trong ngắn hạn, nhìn về dài hạn ông Nguyễn Thế Minh cho rằng nhóm ngành này vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng. Vị chuyên gia này cho rằng kỷ nguyên của AI, bán dẫn vẫn sẽ còn kéo dài và vẫn sẽ xu thế của công nghệ thế giới.

Ngoài ra, ông Thế Minh cũng phân tích thêm rằng FED cũng đang có một số tín hiệu về việc hạ lãi suất. Khi tỷ giá hạ nhiệt thì các cổ phiếu tăng trưởng sẽ được hưởng lợi đầu tiên, trong đó có nhóm công nghệ.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng các công ty công nghệ Việt Nam có thế mạnh về phần mềm, chứ không phải phần cứng. Phần mềm của Việt Nam vượt trội hơn rất nhiều nước trên thế giới, có thể cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế.

Từ những phân tích trên, vị Giám đốc này cho rằng Việt Nam có thể thu hút FDI ở lĩnh vực bán dẫn, sản xuất chip. Ông cũng kỳ vọng Việt Nam có thể có một doanh nghiệp sản xuất chip trong tương lai. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đi mua phần cứng và việc này làm cho chi phí đội lên rất cao. Nếu có thể tự sản xuất, làm chủ công nghệ thì lợi nhuận của các công ty công nghệ Việt Nam có thể còn tăng trưởng mạnh hơn nữa, tối ưu được chi phí đầu vào.

Một xu thế mới của công nghệ mà các doanh nghiệp Việt có thể nắm bắt đó chính là điện toán đám mây (Cloud). Hiện nay, xu hướng dịch chuyển lưu trữ dữ liệu trên Cloud đang rất phổ biến. Các công ty chứng khoán và các ngân hàng đang đẩy nhanh quá trình lưu trữ thông tin và dữ liệu lên Cloud. Vì vậy đây cũng sẽ là một cơ hội dành cho các công ty công nghệ của Việt Nam.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thế Minh, Chứng khoán KB (KBSV) dự báo các công ty công nghệ vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số, còn rất nhiều tiềm năng về dài hạn. CTCK này dẫn dự báo của Gartner cho thấy, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2024 trên thế giới sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5.100 tỷ USD nhờ kỳ vọng đầu tư vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hoá. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin được cho là sẽ tăng trưởng lần lượt 13,8% và 10,4%.

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn nhờ dư địa nhiều cho phát triển. Báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số gấp hơn 30 lần. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.

Về dài hạn, KBSV cho rằng chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tiếp tục tăng trưởng do sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin; Chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới.


Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên