Loạt địa phương có doanh thu thuần bình quân 1 DN nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 10 tỷ đồng: Cao Bằng, Lào Cai, Đà Nẵng... chỉ đạt dưới 5 tỷ đồng
Năm 2019, có 22 địa phương ghi nhận doanh thu thuần bình quân 1 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt dưới 10 tỷ đồng.
- 09-03-20222 tháng đầu năm, UBCKNN xử phạt 13 tổ chức, cá nhân hơn 4,4 tỷ đồng
- 09-03-2022TOP các địa phương có tỷ lệ đường ô tô từ UBND xã đến UBND huyện thấp nhất cả nước
- 09-03-2022Thủ tướng: 'Tôi có nhiều dịp gặp DN trong và ngoài nước, họ vẫn kêu nhiều về thủ tục hành chính'
Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố ấn phẩm Kết quả chủ yếu Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020.
Vì sao nông thôn ngày càng đông dân cư?
Kết quả điều tra cho thấy, tính đến 1/7/2020, khu vực nông thôn có 8.297 xã, giảm 681 xã so với thời điểm 1/7/2016. Trong đó, có 1.903 xã miền núi, 2.035 xã vùng cao, 68 xã hải đảo và 4.291 xã thuộc các vùng khác với 30.294 thôn.
Tuy vậy, số hộ và số nhân khẩu khu vực nông thôn lại có sự biến động khác biệt so với xu hướng thu hẹp về số xã, thôn.
Tại thời điểm 1/7/2020, khu vực nông thôn cả nước có 16.878,15 nghìn hộ dân cư với 62.808,49 nghìn nhân khẩu. Tính ra, trong 5 năm (2016 - 2020), khu vực nông thôn tăng 5,57% về số hộ và tăng 8,91% về số nhân khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng cư dân nông thôn. Đó là cùng với sự chia tách hộ, quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nông thôn, nhất là địa bàn nông thôn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp… đã thu hút ngày càng nhiều lao động và theo đó là hộ dân cư từ khu vực thành thị trở về quê hương lập nghiệp hoặc đến định cư.
Quy mô sản xuất của hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp khu vực nông thôn
Cũng theo kết quả điều tra, hiện cả nước có 5.768 xã có hộ/cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản, chiếm 69,52% tổng số xã với 220.599 hộ/cơ sở hoạt động, bình quân mỗi xã có 38,25 hộ/cơ sở.
Bên cạnh hộ/cơ sở sản xuất công nghiệp nói chung và chế biến nông, lâm, thủy sản nói riêng, năm 2020 còn có 2.869 xã có doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 34,58% tổng số xã khu vực nông thôn.
Để cung cấp kịp thời đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra hỗ trợ các cơ sở sản xuất, năm 2020, tại các xã có điểm/cửa hàng bình quân mỗi xã có 4,17 điểm/cửa hàng cung cấp giống cây trồng; 2,73 điểm/cửa hàng cung cấp giống vật nuôi; 4,09 điểm/cửa hàng giống thủy sản và 5,33 điểm/cửa hàng cung cấp vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Một số loại hình thương mại, dịch vụ mới, hiện đại cũng đã hình thành trên địa bàn nông thôn với 757 xã có cửa hàng tiện lợi, chiếm 9,12% tổng số xã.
Đặc biệt, tại thời điểm 1/7/2020, cả nước có 1.836 xã có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, chiếm 22,13% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 2,01 điểm phần trăm so với 01/7/2016.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, trong những năm 2016 - 2020, mặc dù sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh nhưng hình thức sản xuất và quy mô sản xuất được cơ cấu lại phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Theo kết quả điều tra hợp tác xã và doanh nghiệp 31/12/2019; điều tra hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 1/7/2020, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,82% so với năm 2016. Trong đó, 9.108.129 hộ sản xuất, giảm 1,86%; 7.418 hợp tác xã, tăng 6,80%; 7.471 doanh nghiệp, tăng 94,25%.
Sự biến động số đơn vị sản xuất theo xu hướng tăng giảm khác nhau có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có việc tổ chức lại sản xuất, ưu tiên phát triển những hình thức và quy mô sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao.
Mặt khác, cũng do trong 5 năm (2016-2020) có 218 xã chuyển thành phường, thị trấn, theo đó, dịch chuyển số đơn vị sản xuất, nhất là số hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản khỏi khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, dù cả ba hình thức tổ chức sản xuất có quy mô tương đối lớn và phát triển khá nhanh trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp) nhưng số đơn vị không nhiều, quy mô sản xuất cũng rất khiêm tốn.
Trang trại là mô hình tiên tiến của kinh tế hộ, nhưng năm 2020 có 20.611 trang trại, chỉ chiếm 0,23% tổng số hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Mặc dù theo quy định mới, tiêu chí kinh tế trang trại đã được nâng lên, nhưng trong năm 2020, bình quân 1 trang trại sử dụng có 5,96 ha đất và 4,43 lao động thường xuyên; trong đó, 2,19 lao động thuê ngoài và 2,24 lao động là thành viên của gia đình.
Doanh thu thuần bình quân 1 hợp tác xã tại các địa phương
Đáng chú ý là, số hợp tác xã và số doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm 2016 - 2020, nhưng chủ yếu là các cơ sở nhỏ nên quy mô sản xuất bình quân càng nhỏ hơn.
Số lao động bình quân 1 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 là 10,47 lao động, bằng 80,54% năm 2015; trong đó, số hợp tác xã sử dụng dưới 10 lao động chiếm 66,84% tổng số hợp tác xã, tăng 13,09 điểm phần trăm so với năm 2016; số hợp tác xã quy mô lớn, sử dụng từ 50 lao động trở lên chỉ chiếm 1,28%, giảm 0,46 điểm phần trăm.
Tương tự, số lao động bình quân 1 doanh nghiệp là 33,36 người, bằng 48,35% năm 2016; trong đó, số doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động chiếm 67,23% tổng số doanh nghiệp, tăng 18,12 điểm phần trăm; số doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên chiếm 4,44%, giảm 4,34 điểm phần trăm.
Phần lớn các đơn vị sản xuất có quy mô nhỏ, đầu tư thấp nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Giá trị sản phẩm bán ra theo giá hiện hành trong 12 tháng trước thời điểm điều tra 01/7/2020 bình quân 1 trang trại chỉ đạt 5,63 tỷ đồng, trong đó trang trại trồng trọt 1,83 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi 7,55 tỷ đồng; trang trại thủy sản 5,92 tỷ đồng.
Doanh thu thuần năm 2019 bình quân 1 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 2,32 tỷ đồng; trong khi bình quân 1 doanh nghiệp đạt 22,55 tỷ đồng. Năm 2019, có 25 địa phương doanh thu thuần bình quân 1 hợp tác xã đạt dưới 1 tỷ đồng; trong đó, một số địa phương đạt mức rất thấp như: Tây Ninh chỉ đạt 94,62 triệu đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 472,53 triệu đồng; Quảng Trị 529,12 triệu đồng; Lai Châu 573,88 triệu đồng.
Ngoài ra, một số địa phương ghi nhận doanh thu thuần bình quân 1 hợp tác xã năm 2019 đạt khá cao như: Vĩnh Long 12,39 tỷ đồng, gấp 5,35 lần bình quân chung cả nước; Bến Tre 9,11 tỷ đồng, gấp 3,93 lần; Đồng Nai 6,19 tỷ đồng, gấp 2,67 lần; Đắk Nông 5,87 tỷ đồng, gấp 2,53 lần; Thái Bình 5,61 tỷ đồng, gấp 2,42 lần.
Đồng thời, có 22 địa phương doanh thu thuần năm 2019 bình quân 1 doanh nghiệp đạt dưới 10 tỷ đồng; trong đó có những địa phương chỉ đạt dưới 5 tỷ đồng như: Cao Bằng 2,56 tỷ đồng; Lào Cai 2,70 tỷ đồng; Đà Nẵng 3,09 tỷ đồng; Ninh Thuận 3,62 tỷ đồng; Hậu Giang 4,62 tỷ đồng.