MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt doanh nghiệp dịch vụ hàng không lãi lớn

Ngành dịch vụ hàng không phục hồi mạnh. Nguồn: Internet

Ngành dịch vụ hàng không phục hồi mạnh. Nguồn: Internet

Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không như bách hóa, phòng chờ, suất ăn, phục vụ mặt đất… báo lãi quý III gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước nhờ bối cảnh ngành hàng không phục hồi mạnh.

Dịch bệnh được kiểm soát, du lịch mở cửa hoàn toàn giúp thị trường hàng không tiếp tục phục hồi mạnh. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng hành khách 9 tháng thông qua các cảng hàng không đạt 89 triệu lượt, tăng 20%; trong đó khách quốc tế đạt 23,7 triệu lượt, tăng 266,8%; khách nội địa 65,2 triệu lượt khác, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2022. Ngược lại, vận tải hàng hóa giảm 15,3% khi đạt 887.500 tấn.

Tại nội địa, 5 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Jetstar Pacific Airlines) đang khai thác 67 đường bay với trên 650 chuyến bay mỗi ngày. Ngoài việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ - Vân Đồn, Hà Nội - Cà Mau.

Đối với thị trường quốc tế, ngoài các thị trường truyền thống và một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ và Úc.

Nhờ vậy, hàng loạt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong ngành hàng không cho biết hoạt động kinh doanh đã được khôi phục, lãi quý III và 9 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Loạt doanh nghiệp dịch vụ hàng không lãi lớn - Ảnh 1.

Lợi nhuận các doanh nghiệp dịch vụ hàng không, đơn vị: tỷ đồng

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, UPCoM: SAS) công bố BCTC quý III với doanh thu 714 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp gấp đôi lên 423 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 52% lên 59,2%. Doanh thu tài chính cũng tăng từ 5 tỷ lên 40 tỷ đồng. Nhờ vậy, dù chi phí bán hàng và quản lý gần gấp đôi, Sasco vẫn báo lãi gấp 3,7 lần lên 131 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần 1.887 tỷ đồng và lãi sau thuế 241 tỷ đồng, cùng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Dù vậy, kết quả này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2019 – thời điểm trước dịch bệnh.

Sasco cung cấp dịch vụ hàng miễn thuế, phòng chờ hạng thương gia, suất ăn hàng không, khu ngủ chờ chuyến bay, nhà hàng, bách hóa… trong các sân bay. Bên cạnh đó, ngoài sân bay, doanh nghiệp cũng cung cấp dịch vụ cho thuê xe, resort nghỉ dưỡng, dịch vụ xe Phú Quốc bus tour… Đơn vị cho biết tình hình kinh doanh đã được khôi phục bình thường, sản lượng hàng khách đi và đến tại gia quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.

Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGN, HoSE: SGN) báo cáo doanh thu quý III tăng 76% lên 394,6 tỷ đồng, lãi sau thuế gấp 2,4 lần lên 72,3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu cán mốc 1.090 tỷ đồng và lợi nhuận 203 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 86% so với cùng kỳ năm trước.

SAGN chuyên cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế về bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa, hành lý, bưu kiện từ máy bay đến nhà ga hành khách/hàng hóa; điều phối chuyến bay, cân bằng trọng tải chuyến bay; chuyển chở hành khách, tổ bay từ máy bay đến nhà ga…

Theo SAGN, lý do doanh thu và lợi nhuận quý III tăng mạnh là sản lượng phục vụ các đường bay quốc tế có sự phục hồi mạnh. Công ty ký được thêm hợp đồng phục vụ với một số khách hàng mới, tăng phí dịch vụ cho một số khách hàng hiện tại so với cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, công ty con SAGN-CXR tiếp tục có lãi tốt.

Chuyên cung cấp suất ăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) cũng rất ấn tượng. Lợi nhuận quý III tăng 36% đạt 11,6 tỷ đồng, 9 tháng chuyển lỗ 3,2 tỷ đồng sang lãi 30,2 tỷ đồng.

NCS cho biết sản lượng, doanh thu các hãng hàng không tăng mạnh khi nối lại đường bay và tăng chuyến sớm hơn dự kiến. Trong lĩnh vực nonair, công ty ra mắt thêm một số sản phẩm mới và được thị trường đón nhận.

Nhìn chung, với sự phục hồi của ngành, đa phần các doanh nghiệp dịch vụ hàng không đều đã có lãi trở lại, tuy chưa trở lại trước dịch (2019) nhưng có sự tăng trưởng theo thời gian.

Trong khi đó, các đơn vị trong nhóm vận tải hành khách hàng không gồm Vietnam Airlines (HoSE: HVN), Bamboo Airways, Vietravel Airlines từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát đến nay vẫn tiếp tục chìm trong thua lỗ.

Vietnam Airlines chưa công bố BCTC quý III. Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hãng có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng năm 2023. Theo BCTC quý II tự lập, nửa đầu năm Vietnam Airlines lỗ 1.198 tỷ đồng. Như vậy, nửa cuối năm được dự báo còn lỗ đậm hơn nửa đầu năm.

Theo ông Vũ Đức Biên, cựu Tổng giám đốc Vietravel Airlines, các hãng hàng không hiện nay đang rơi vào tình trạng giá vé máy bay bán ra không đủ bù chi phí. Khác với các lĩnh vực khác, ngoài chi phí xăng dầu, các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ cất cánh tàu bay; phí đậu tàu bay (parking chargers); giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi,… tại các cảng hàng không sân bay chiếm khoảng 65 – 80%. Phần định phí chiếm 20 – 35% và tùy theo mỗi hãng, vì vậy để tối ưu chi phí thì khả năng cắt giảm hoặc hiệu quả từ chi phí cũng không thay đổi được quá nhiều.

Ông Biên cũng chỉ ra một điều nghịch lý là các hãng vận tải hàng không là lõi trung tâm của ngành hàng không nhưng đang dễ bị tổn thương và thiếu ổn định, trong khi phần các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái như cảng hàng không, cửa hàng, dịch vụ suất ăn, dịch vụ phục vụ mặt đất,... là phục vụ cho các hãng thì hiệu quả hoạt động khá tốt do các chính sách cơ chế đặc thù. Vậy nên cần một giải pháp đến từ cấp chính phủ trong việc điều tiết ngành hàng không mà trong đó việc tổ chức diễn đàn chuyên đề để cùng nhau đóng góp các ý kiến nhằm tăng hiệu quả cạnh tranh và tính bền vững của lõi ngành vận tải hàng không chính là các hãng vận chuyển.

Theo Mỹ Hà

Nhà Đầu Tư

Trở lên trên