MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ ‘cầu cứu’: Kiến nghị EVN nhanh chóng tháo gỡ cho doanh nghiệp

28-07-2023 - 08:58 AM | Doanh nghiệp

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp thủy điện khu vực Tây Nguyên, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) và Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy thuỷ điện.

Vượt thẩm quyền

Như Nhadautu.vn trong bài trước đã phản ánh, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp là chủ đầu tư các nhà máy thủy điện (NMTĐ) nhỏ khu vực Tây Nguyên đã có đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tháo gỡ quy định "không cho các NMTĐ nhỏ và vừa huy động công suất tối đa".

Loạt doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ ‘cầu cứu’: Kiến nghị EVN nhanh chóng tháo gỡ cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Một thuỷ điện tại khu vực miền Trung. Ảnh minh hoạ: Gia Anh

Trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép được phát tối đa công suất theo khả năng thiết kế và nguồn nước cho phép (doanh nghiệp được phát công suất vượt quy định theo hợp đồng mua bán điện đã ký và giấy phép hoạt động điện lực).

Ngày sau khi nhận được đơn kiến nghị của các doanh nghiệp, Công ty Điện lực Kon Tum đã làm việc với 11 nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn để tìm giải pháp hài hòa, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, đây là vấn đề vượt quá thẩm quyền của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) nên phải kiến nghị cấp cao hơn để giải quyết, đảm bảo lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư", lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.

Được biết, tại cuộc làm việc, Công ty Điện lực Kon Tum cho biết sẽ tiếp tục theo dõi hợp đồng mua bán điện theo chỉ đạo của EVN và trong trường hợp có nhà máy phát quá công suất thì Điện Lực Kon Tum sẽ nhắc nhở và không bị sa thải (ngưng huy động công suất) như vài trường hợp trước đó.

Trước kiến nghị của loạt doanh nghiệp đầu tư các NMTĐ tại Tây Nguyên, EVN CPC đã có văn bản gửi EVN "về việc giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư các NMTĐ tỉnh Kon Tum".

Trong văn bản gửi EVN, EVN CPC đề nghị: Trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép được phát tối đa công suất theo khả năng thiết kế và nguồn nước cho phép (doanh nghiệp được phát công suất vượt quy định theo hợp đồng mua bán điện đã ký và giấy phép hoạt động điện lực). Đồng thời đề xuất, NMTĐ được phép phát lớn hơn Điện lượng trung bình năm (Eo) được phê duyệt đối với các năm có lượng nước nhiều.

Tập đoàn EVN cần có giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 185 ngày 19/5/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT)

Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng đã có văn bản gửi EVN "về việc khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện".

Trong văn bản gửi EVN, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, sau khi nhận đơn kiến nghị của các NMTĐ khu vực Tây Nguyên về việc cho phép tiếp tục tận dụng tối đa tài nguyên nước để phát điện, tránh lãng phí nguồn nước, sau khi nghiên cứu, Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, trong thời gian qua, trước bối cảnh tình trặng nắng nóng kỷ lục xảy ra nhiều nơi trên cả nước, vai trò của các thủy điện trong việc tham gia cung ứng điện là rất quan trọng và việc tiếp tục tận dụng tối đa tài nguyên nước để tăng hiệu quả phát điện, tránh lãng phí, tối ưu việc sử dụng nguồn nước là cần thiết, nhất là trong điều kiện diễn biến tài nguyên nước ngày càng phức tạp trước tác động của biến đổi khí hậu.

"Tập đoàn EVN cần có giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 185 ngày 19/5/2023 của Văn phòng Chính phủ", văn bản của Cục Quản lý tài nguyên nước nêu.

Ngoài ra, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đề nghị EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp nhằm khai thác, huy động tối đa nguồn năng lượng do tận dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước đối với các NMTĐ đã được xây dựng với quy mô công suất lắp máy và các thông số kỹ thuật đúng quy hoạch ngành điện, giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép tài nguyên nước.

Cần sớm tháo gỡ các vướng mắc khi áp dụng Nghị định 36

Hiệp hội VHDA đánh giá, mặc dù các thành viên Hiệp hội VHDA thường xuyên nỗ lực để góp phần quan trọng trong việc phủ đỉnh các giờ cao điểm của hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng trong quá trình thực hiện, các NMTĐ vừa và nhỏ đang gặp nhiều vướng mắc.

Một thực tế hiện nay đều là nguồn năng lượng tái tạo nhưng thủy điện vừa và nhỏ đang là nguồn năng lượng có giá mua thấp hơn rất nhiều so với năng lượng mặt trời, trong khi đó thời gian đầu tư lâu hơn, suất đầu tư cao hơn, đây là điều rất không công bằng cho các NMTĐ vừa và nhỏ.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Cụ thể, vướng mắc đầu tiên là khi áp dụng Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ "về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản". Đó là tại Khoản 3 Điều 10 của Nghị định 36 quy định: "Đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép thì phần lưu lượng vượt quá quy định áp dụng xử phạt theo quy định tại các khoản 3,4,5...". Với quy định này, các nhà đầu tư NMTĐ hiểu rằng phần lưu lượng "vượt quá" giấy phép được coi là phần lưu lượng "không có giấy phép" và bị áp dụng các chế tài xử phạt.

Vì quy định này, thực tế, có những thời điểm, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt hàng loạt vì quy định tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định 36 đi ngược lại với quy luật tự nhiên của thời tiết, giảm khả năng phân bổ và tận dụng các nguồn lực để sản xuất kinh doanh, đi ngược với chỉ đạo "huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có" tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương "về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, khi các NMTĐ phát "vượt quá" và bị xử phạt như quy định tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định 36 sẽ phát sinh nhiều khó khăn trên thực tế.

Thứ nhất , hình thức khai thác và sử dụng nước mặt cho thủy điện hoàn toàn khác với các hình thức sử dụng khác. Theo quy luật tự nhiên, khí hậu có hai mùa chính là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa lượng nước nhiều hơn bình thường và sang mùa khô thì hạn hạn, khan hiếm. Để tận dụng quy luật tự nhiên này, cùng các địa hình, địa chất xây dựng các NMTĐ để cung cấp điện năng phục vụ phát triển kinh tế. Khi vận hành các NMTĐ, dòng chảy tự nhiên của dòng sông một phần qua tuabin để phát điện (phần có sinh lời), một phần còn dư xả xuống hạ du (phần không sinh lời).

Để tận dụng tối đa, tránh lãng phí tài nguyên nước, các NMTĐ có nhiệm vụ phải sử dụng dòng chảy qua tuabi (phần sinh lời) càng nhiều càng tốt. Điều này hoàn toàn không gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, không gây vi phạm, hậu quả để xử phạt. Hơn nữa, nếu không sử dụng nước qua tuabin, nước theo dòng chảy tự nhiên sẽ chảy xuống hạ du, không sinh lời còn gây lãng phí tài nguyên nước,  không tận dụng được nguồn lực sẵn có để sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, thiết bị tổ máy hoàn toàn đáp ứng và đảm bảo có thể tăng 15-20% công suất thiết kế. Thực tế, để xác định công suất thiết kế của NMTĐ, lưu lượng nước qua tuabin, cột nước làm việc và hiệu suất thiết bị là các thông số chính tạo nên công suất tổ máy. Vào mùa mưa, lưu lượng nước của dòng sông thường lớn hơn lưu lượng thông thường của tổ máy, điều này đã được tính toán. Với khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, khả năng đáp ứng của thiết bị tổ máy thủy điện khi tăng công suất ngày càng cao (các nhà thầu cung cấp thiết bị đều khẳng định, thiết bị tổ máy hoàn toàn có thể tăng 15-20% công suất thiết kế - PV).

Chính vì những khó khăn trên, Hiệp hội VHDA cho rằng, không nên áp dụng quy định xử phạt tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định 36 đối với lĩnh vực thủy điện, nên sửa quy định này thành: "Đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép (trừ trường hợp sử dụng nước mặt để phát điện) thì phần lưu lượng vượt quá quy định áp dụng xử phạt theo quy định tại các khoản 3,4,5... và khoản 14 Điều 9 của Nghị định này".

Trao đổi với Nhadautu.vn, lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, trong các văn bản kiến nghị, về cơ bản, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng đã đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét để các NMTĐ tận dụng tối đa tài nguyên nước để phát điện, tránh lãng phí nguồn nước, góp phần ổn định an ninh nặng lượng quốc gia.

Do đó, trước khi sửa đổi luật cũng như Nghị định 36 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng, các bộ ban ngành liên quan, đặc biệt là EVN cần sớm tạo điều kiện để các NMTĐ vừa và nhỏ ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung được huy động công suất nhà máy theo cơ chế chi phí tránh được để tận dụng nguồn nước dồi dào mùa mưa, đảm bảo tăng cung cấp nguồn điện trong hoàn cảnh một số nơi xảy ra thiếu điện, tránh gây thiệt hại thêm cho các nhà đầu tư và để tránh nhà nước thất thu thuế.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, thủy điện vừa và nhỏ đã góp một phần quan trọng trong việc phủ đỉnh các giờ cao điểm của hệ thống điện Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng, là nguồn năng lượng xanh sạch và góp phần giảm giá thành của EVN với giá mua điện rẻ.

"Một thực tế hiện nay đều là nguồn năng lượng tái tạo nhưng thủy điện vừa và nhỏ đang là nguồn năng lượng có giá mua thấp hơn rất nhiều so với năng lượng mặt trời, trong khi đó thời gian đầu tư lâu hơn, suất đầu tư cao hơn, đây là điều rất không công bằng cho các NMTĐ vừa và nhỏ", Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định.

Theo Gia Anh

Nhà đầu tư

Trở lên trên