Loạt thủy điện lớn nhất Việt Nam cận kề mực nước chết, EVN kêu gọi tiết kiệm điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tính đến ngày 11/5, có 10 hồ thủy điện thuộc EVN và nhiều hồ thủy điện của chủ đầu tư ngoài EVN, với tổng công suất khoảng 4.500 MW, đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Theo các chuyên gia, cùng với các giải pháp về tiết kiệm điện, đảm bảo nguồn than, khí cho sản xuất điện, Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét đảm bảo việc cân đối tài chính cho EVN.
- 27-02-2023Đề án cơ cấu lại EVN: Đề xuất Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn
- 02-02-2023EVN: Nếu không tăng giá điện, năm 2023 dự kiến lỗ gần 65.000 tỷ đồng, hết tháng 5 sẽ không còn tiền trong tài khoản
- 23-12-2022Trong khi EVN lỗ hơn 31.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp điện lại ăn nên làm ra, lợi nhuận tăng trưởng bằng lần
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tính đến ngày 11/5, có 10 hồ thủy điện thuộc EVN và nhiều hồ thủy điện của chủ đầu tư ngoài EVN, với tổng công suất khoảng 4.500 MW, đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Theo các chuyên gia, cùng với các giải pháp về tiết kiệm điện, đảm bảo nguồn than, khí cho sản xuất điện, Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét đảm bảo việc cân đối tài chính cho EVN.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng kéo theo tiêu thụ điện tăng cao trên toàn quốc. Mặc dù đợt nóng gay gắt đầu tháng 5 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc và toàn quốc đã lên rất cao. Như ngày 6/5, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc cũng lên tới hơn 43.300 MW. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc cũng vượt hơn 895 triệu kWh. Dự báo trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn cả kế hoạch vận hành hệ thống điện Quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Theo EVN, tiêu thụ điện tăng cao trong khi tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện trên cả nước có nước về kém, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm của các hồ thủy điện phía Bắc bằng khoảng 60-70% so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém.
Hiện có 10 hồ thủy điện thuộc EVN và nhiều hồ thủy điện của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 4500 MW). Trong đó có các hồ thủy điện lớn của EVN như: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ. “Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022”, EVN cho hay.
Tính toán cũng cho thấy, trong những tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện trong các tháng 5 và 6; nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm. Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp, tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong thời gian tiếp theo.
Để ứng phó với tình hình vận hành hệ thống điện Quốc gia có nhiều khó khăn trong mùa hè năm nay, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h đến 22h). Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, đã cùng các đơn vị Điện lực khu vực miền Bắc lập kế hoạch cung cấp điện các tháng, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 8), đồng thời thông tin sớm cho các khách hàng lớn để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất.
Phải giải bài toán tài chính sớm cho EVN
Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến việc giải bài toán thiếu điện trong mùa khô năm 2023, chuyên gia về năng lượng, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, việc thiếu tài chính do bị lỗ kéo dài trong khi nguồn than, nguồn khí cấp cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay không được đảm bảo đang là những vấn đề nghiêm trọng đối với EVN lúc này.
Theo ông Sơn, bên cạnh đó, với việc giá điện tăng nhưng không bù hết được các khoản lỗ của năm 2022 và bán điện dưới giá thành trong năm 2023 sẽ khiến EVN không thu hồi được đủ số vốn khấu hao cơ bản của tài sản cố định trích trong năm. Tình hình tài chính EVN xấu đi sẽ ảnh hưởng đến việc trả nợ gốc vay cũng như đầu tư xây dựng cơ bản của ngành điện. Cùng với đó, các chỉ số tài chính xấu đi dẫn đến các tổ chức tín dụng khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.
“Nếu nguồn tài chính không được đảm bảo, sẽ kéo theo dòng tiền đứt gãy và việc các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BOT sẽ dừng phát và khi đó nguồn cung điện cho năm 2023 sẽ hết sức bấp bênh. Cần phải nhớ, hiện tại EVN chỉ nắm giữ khoảng gần 40% nguồn phát điện. Đây là điều hết sức rủi ro”, ông Sơn nói.
Vị chuyên gia về năng lượng cũng cho rằng, khi đã để EVN kiệt quệ, việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tiền phong