MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt dự án điện gió chậm hòa lưới điện: Phơi nắng, chờ gỡ khó

Các dự án điện gió đi vào vận hành sẽ đóng góp vào ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho nhiều địa phương. Ảnh: Cảnh Kỳ

Các dự án điện gió đi vào vận hành sẽ đóng góp vào ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho nhiều địa phương. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trong khi chưa thể vận hành hòa lưới điện vì chờ đàm phán giá điện, hướng dẫn từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhiều dự án điện gió được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ở miền Tây đứng phơi nắng, phơi sương, tốn kém và lãng phí. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang thi công dở dang cũng trong cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Với tiềm năng, lợi thế lớn về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, các địa phương ven biển vùng ĐBSCL thu hút nhiều dự án điện gió thời gian qua. Riêng tại tỉnh Cà Mau, có tới 14 dự án điện gió đã có chủ trương đầu tư với tổng công suất 800MW và 2 dự án được bổ sung quy hoạch tổng công suất 200MW đang thực hiện các thủ tục cấp chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, ngoài 3 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất 100MW, các dự án còn lại đang gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Thanh Tuyền - Giám đốc Công ty Năng lượng 1A (chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió 1A) cho biết, đến nay hạng mục công trình trụ gió ngoài khơi đã cơ bản hoàn thành; riêng hạng mục công trình đường dây 220kV đấu nối cụm nhà máy điện gió Cà Mau 1 vào hệ thống điện quốc gia đã chậm tiến độ khoảng 10 tháng so với kế hoạch, do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, hành lang tuyến đường dây đi qua 4 huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời và U Minh, hiện nay đã có phương án hỗ trợ đền bù đối với 63 hộ dân dưới hành lang nhưng chưa được UBND huyện phê duyệt; về đất trồng cây lâu năm cũng chưa có phương án đền bù…

Bên cạnh các dự án gặp khó do công tác giải phóng mặt bằng và đại dịch COVID-19 làm chậm tiến độ thì đáng chú ý là nhiều dự án hiện đã hoàn thành lại không được vận hành do gặp “sự cố” về giá điện do chưa có đàm phán và hướng dẫn từ Bộ Công Thương và EVN.

Sở Công Thương Cà Mau cho biết, Dự án điện gió Viên An đã hoàn thành thi công 16/16 móng tua-bin, hạng mục đường dây, trạm biến áp và nhà điều hành. Các hạng mục này đã đủ điều kiện vận hành, nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để vận hành nhưng phải đứng chờ do chưa có phương án xác định giá điện và hợp đồng mua bán điện đối với các dự án chuyển tiếp.

Tương tự, Dự án nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 2021-2025, công suất 45MW do Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Sông Lam làm chủ đầu tư đã thi công hoàn thành nhưng phải chờ đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).…

Các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL được nhận định là nơi có tiềm năng đón gió tốc độ rất cao, thuận lợi cho phát triển các dự án điện gió. Các địa phương đã và đang khai thác tiềm năng với hàng loạt dự án điện gió được đầu tư xây dựng khắp các tỉnh. Tuy nhiên, đến ngày 31/10/2021 (hạn cuối được hưởng giá FIT ưu đãi), ngoài hơn 20 dự án đã đi vào vận hành thương mại thì còn hơn 30 dự án mặc dù đã ký hợp đồng PPA theo giá FIT nhưng do hoàn thành trễ hạn nên không được hưởng giá FIT. Trong số này, hiện tại đã có nhiều dự án hoàn thành xây dựng nhưng chưa thể vận hành.

Khó nối tiếp khó

Tại Bến Tre, đại diện Sở Công Thương tỉnh này cho biết, trên địa bàn có 3 dự án điện gió đã hoàn thành chờ đóng điện thử nghiệm thiết bị. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN và chủ đầu tư các dự án điện gió chuyển tiếp đàm phán về giá phát điện nhưng EVN chưa có hướng dẫn chính thức nên các chủ đầu tư chưa có căn cứ nộp hồ sơ.

Trong khi chờ đợi các cơ chế, hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền đối với những dự án điện gió chuyển tiếp, hiệu lực thi hành của thỏa thuận đấu nối của các dự án nhà máy điện gió chuyển tiếp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã hết hạn. Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian hiệu lực các thỏa thuận đấu nối này vẫn chưa thực hiện được do EVNSPC đang đợi hướng dẫn từ EVN.

Đơn cử, Nhà máy điện gió Bình Đại đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) cho một phần công suất. Theo yêu cầu của EVN, chủ đầu tư đã lắp đặt bổ sung công tơ phân tách sản lượng cho các trụ tua-bin đã COD và được nghiệm thu bởi cơ quan liên quan của EVN.

“Tuy nhiên, để có thể sử dụng kết quả đo đếm của công tơ phân tách sản lượng này cho việc thanh toán sản lượng điện, nhà máy cần phải ký phụ lục thỏa thuận hệ thống đo đếm điện năng với Công ty Mua bán điện liên quan hệ số tổn thất, phương thức giao nhận điện. Thế nhưng, hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa nhận được hướng dẫn của EVN về việc này để có thể triển khai bước tiếp theo”, đại diện Sở Công Thương Bến Tre cho hay.

Theo đại diện các chủ đầu tư, do chưa có hướng dẫn của Bộ Công Thương nên EVN chưa có phương án đàm phán ra sao. Các nhà đầu tư cũng đề xuất cho những dự án đã hoàn thành đi vào vận hành rồi ghi nhận và tính một giá tạm nào đó để tránh lãng phí, tuy nhiên vẫn chưa áp dụng được.

Một lãnh đạo Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh (chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh 78MW, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, tổng vốn đầu tư 4.206 tỷ đồng) cho biết, nhà máy hiện có 15/18 trụ tua-bin chưa thể vận hành để hòa lưới do chưa có hướng dẫn áp dụng giá điện.

“Mỗi năm mất hàng chục triệu USD, tiền lãi vay và các chi phí khấu hao khác. Đây là khó khăn chung của nhiều dự án, chúng tôi cũng đã kiến nghị rồi, địa phương , Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng ghi nhận kiến nghị. Nhà đầu tư rất khó khăn nhưng biết làm sao, đã làm rồi, lỡ ngồi trên lưng cọp rồi…” - đại diện Ecotech Trà Vinh, chia sẻ.

Thất thu ngân sách

Nhiều dự án điện gió đi vào vận hành sẽ mang về cho ngân sách các địa phương ven biển vùng ĐBSCL hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc các dự án đã hoàn thành nhưng phải đứng đợi không chỉ khiến ngân sách bị thất thu mà nhà đầu tư có nguy cơ bị vỡ kế hoạch tài chính…

Các dự án nhà máy điện gió chuyển tiếp hiện đã hoàn tất công tác lắp đặt, thử nghiệm và nghiệm thu theo quy định nhưng chưa được phép vận hành dẫn đến nguy cơ hỏng hóc các thiết bị, phát sinh chi phí bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Sông Lam (chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Tân Ân 1 ở Cà Mau), hiện nay, kinh phí đầu tư vào dự án khá lớn, nhưng thực tế vẫn chưa có chính sách giá điện cho giai đoạn tiếp theo đối với các dự án.

“Vật tư, thiết bị, máy móc cỡ lớn phục vụ thi công trên biển đang phải dừng chờ dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi hằng tháng; lãi vay doanh nghiệp phải chi trả khá cao trong khi chủ đầu tư chưa có nguồn thu” - đại diện DN cho hay.

Sóc Trăng cũng là địa phương có nhiều dự án điện gió đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào vận hành thương mại nhưng vẫn đang phải đợi hướng dẫn về quy trình cụ thể các bước đàm phán giá điện. “Mới đây, lãnh đạo tỉnh cũng có cuộc họp với các nhà đầu tư để nghe báo cáo tiến độ… Khó khăn nhất hiện nay là các dự án chuẩn bị đưa vào vận hành nhưng ngành điện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể”, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng nói.

Bên cạnh những dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành thì nhiều dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư cũng chưa thể hoàn thành thủ tục để thi công do chưa có giá điện mới. Các nhà đầu tư rơi vào tình cảnh “ngồi trên lưng cọp”, “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh cho biết, sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Công Thương có phương án hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Còn ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chia sẻ: “Kiến nghị thì địa phương cũng đã kiến nghị nhiều rồi, phải chờ đợi thôi”.

Hàng loạt dự án điện gió tại khu vực ĐBSCL đi vào vận hành sẽ mang về cho ngân sách các địa phương hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử riêng tỉnh Sóc Trăng, dự kiến năm nay có 3 dự án vận hành thương mại chính thức và một phần dự án đang triển khai, cùng với 6 dự án chuyển tiếp hoạt động. 9 dự án điện gió này với tổng công suất 406 MW sẽ đóng góp sản lượng điện trị giá khoảng 600 tỷ đồng.

Kiến nghị cho đấu nối thử nghiệm

Ngành Công Thương một số tỉnh kiến nghị: Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh tăng khung giá điện đối với các dự án điện gió chuyển tiếp, để nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn; EVN sớm ban hành quy định hướng dẫn đàm phán giá điện để làm cơ sở cho các chủ đầu tư có cơ sở thực hiện và đưa các dự án vào vận hành thương mại sớm nhất có thể, tránh lãng phí tài nguyên; EVN chấp thuận cho các dự án điện gió đã hoàn tất lắp đặt, thử nghiệm và nghiệm thu theo quy định được phép đưa vào vận hành một khoảng thời gian định kỳ trước khi vận hành thương mại để tránh hỏng hóc thiết bị nếu không được vận hành trong thời gian dài.

Theo Nhóm PV ĐBSCL

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên