Loạt đường cao tốc, cầu và sân bay quy mô 17.000 tỷ đồng sắp đi vào hoạt động, đáng chú ý có 1 cây cầu tại TP Thủ Đức rút ngắn 10km xuống còn 500m
Các dự án giao thông trọng điểm qua các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Điện Biên, và các tỉnh phía Nam gồm Long An, TP Thủ Đức, Cần Thơ, Vĩnh Long,…. khánh thành dịp cuối năm có tổng mức đầu tư lên tới 17.000 tỷ đồng.
- 17-12-2023Cơ hội trở thành mắt xích quan trọng của thị trường bán dẫn 1.000 tỷ USD
- 17-12-2023Tín hiệu mới dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Chốt thời gian khởi công 2 đoạn ưu tiên?
- 17-12-2023Công trình cửa ngõ giao thương nối biên giới Việt - Trung: Dài 420m, chịu được động đất cấp 7
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ
Về đích sớm 2 năm so với kế hoạch, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang trong giai đoạn hoàn thiện để khánh thành vào ngày 24/12 tới. Dự án dài 40,2km (11,63km đi qua Tuyên Quang và 28,57km đi qua Phú Thọ). Điểm đầu của dự án tại TP Tuyên Quang và điểm cuối kết nối với nút giao IC9 của cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc tỉnh Phú Thọ).
Đây là dự án cao tốc đầu tiên nối từ Hà Nội đến Tuyên Quang với thiết kế 4 làn xe, tốc độ 80 km/h. Tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng. Dự án khởi công năm 2021, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tuyên Quang làm chủ đầu tư. Tuyến đường hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 2, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Công trình có tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận. Dự án đến nay đã hoàn thành trên 80%, theo Bộ Giao thông Vận tải. Các cầu trên tuyến chính đã xong, một số đoạn đường đang được thảm bê tông nhựa, dự kiến hoàn tất trước 20/12.
Hiện giai đoạn một cao tốc quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tương đương cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường được thiết kế 6 làn xe, vận tốc 100 km/h. Dự án dự kiến được khánh thành vào ngày 24/12 tới.
Cầu Mỹ Thuận 2
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, đồng thời cũng là điểm nối giữa 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu dài 6,6 km, trong đó cầu Mỹ Thuận 2 dài gần 2 km với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Điểm đầu nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tổng giá trị xây lắp dự án cầu Mỹ Thuận 2 đến nay đạt khoảng 97% khối lượng.
Hai dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ dài hơn 120 km, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn hơn 2 giờ, thay vì khoảng 3,5 giờ như hiện nay. Bộ GTVT vừa chốt ngày khánh thành dự án vào 24/12 tới đây.
Đường Vành đai TP Tân An, tỉnh Long An
Công trình trọng điểm đường Vành đai TP Tân An, tỉnh Long An với tổng kinh phí đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, dài gần 23km, mặt đường rộng 33m, có điểm đầu giao ngã tư Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và điểm cuối giao Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 833 tại phường 5, TP Tân An đang chạy nước rút để kịp về đích, dự kiến thông xe vào cuối tháng 12/2023.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP Tân An và đường Hùng Vương, Hùng Vương (nối dài), chuyển hướng lưu thông ra các vùng ven ngoại thành; đồng thời, góp phần mở rộng cửa ngõ TP HCM, kết nối các tỉnh miền Tây và miền Đông với TP HCM, góp phần xây dựng đô thị loại I của TP Tân An, tỉnh Long An.
Cầu Long Đại, TP Thủ Đức
Cầu Long Đại nối phường Long Phước với phường Long Bình (TP Thủ Đức). Công trình được đưa vào sử dụng vào ngày 16/12, sau hơn 5 năm thi công do chậm tiến độ. Cầu Long Đại có chiều dài 765m, rộng 14m, tổng mức đầu tư 354 tỷ đồng từ ngân sách TP HCM.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, việc hoàn thành xây dựng cầu Long Đại giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển đô thị, tạo động lực phát triển giao thông cửa ngõ phía Đông TP Thủ Đức. Với cây cầu trên, người dân đi lại thuận tiện hơn, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ cù lao Long Phước sang Long Bình từ 10km xuống còn 500m để di chuyển vào trung tâm thành phố.
Mở rộng sân bay Điện Biên
Dự án mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm thi công kéo dài đường cất hạ cánh lên 2.400m (để đảm bảo đón được các loại máy bay A320, A321) và nâng công suất nhà ga hành khách từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Việc nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên sẽ góp phần thu hút vốn triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo sức bật kinh tế Điện Biên, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 thêm khoảng 15.000 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động.