Loạt lãnh đạo rời 'ghế nóng', FLC cấu trúc thế nào?
Với kế hoạch tái cấu trúc, định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với 3 trụ cột chính, liệu có tương lai nào “sáng hơn” cho FLC sau hàng loạt biến cố diễn ra thời gian qua?
- 27-02-2023FLC bàn giao loạt hạng mục dự án du lịch ven biển trăm tỷ ở Sầm Sơn
- 17-02-2023Tổng giám đốc FLC gửi lời xin lỗi cổ đông, giãi bày về nỗ lực nhằm không huỷ niêm yết cổ phiếu nhưng không thành công
- 17-02-2023Hòa Bình chấm dứt siêu dự án du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf của Tập đoàn FLC sau chưa đầy một năm chấp thuận
Biến động mạnh về nhân sự cấp cao ở FLC
Sau biến cố liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (FLC) và một số lãnh đạo doanh nghiệp, FLC đã và đang trải qua quãng thời gian khó khăn về hoạt động kinh doanh cũng như quản trị doanh nghiệp.
Trong gần 1 năm qua, dàn lãnh đạo cấp cao của FLC liên tục có nhiều biến động mới, đặc biệt là sự ra đi của những người lãnh đạo gắn bó lâu năm với doanh nghiệp.
FLC trải qua nhiều biến động về nhân sự (đồ họa: Kiều Tú).
Mới đây nhất, vào ngày 27/2, "nữ tướng" chinh chiến lâu năm của FLC là bà Bùi Hải Huyền đã xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Hai Phó Tổng giám đốc là bà Đàm Ngọc Bích và bà Lê Thị Trúc Quỳnh cũng xin từ nhiệm vào ngày 27/2. Trước đó, hàng loạt nhân sự cấp cao của FLC và các công ty trong cùng hệ sinh thái cũng đã đều rời ghế. Các nhân sự chủ chốt từng lèo lái doanh nghiệp trong nhiều năm đều lần lượt xin từ nhiệm dấy lên nhiều băn khoăn về khả năng có mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo FLC hay không.
Đây cũng là một trong những vấn đề được cổ đông đưa ra chất vấn dàn lãnh đạo mới của FLC trong đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 4/3 vừa qua.
Trả lời vấn đề này, đại diện FLC cho biết việc thay đổi nhân sự của FLC không chỉ dừng lại ở việc thay đổi lại các lãnh đạo cấp cao mà còn xây dựng phương án tái cơ cấu nhân sự toàn bộ hệ thống để phù hợp với quy mô hoạt động, định hướng kinh doanh của FLC thời gian tới.
Vì vậy, việc thay đổi lớn về nhân sự cấp cao hiện tại đều nằm trong kế hoạch mục tiêu của FLC. Đại diện FLC cho biết, bên cạnh những lãnh đạo gắn bó lâu năm thôi đảm nhiệm chức vụ, tập đoàn vẫn còn những người "xưa cũ" tiếp tục công việc.
FLC sẽ cơ cấu toàn diện thế nào?
Tuyên bố tại đại hội đồng cổ đông vừa rồi, lãnh đạo FLC cũng cho biết FLC đang trong giai đoạn cơ cấu toàn diện.
Năm 2023, FLC định hướng đẩy mạnh tái cấu trúc Tập đoàn và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với 3 trụ cột chính: Kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.
Ở lĩnh vực bất động sản, FLC vẫn tiếp tục đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư để được chấp thuận đầu tư đối với các dự án mới, đối với các dự án không hiệu quả thực hiện thủ tục trả dự án và/hoặc chuyển nhượng, bên cạnh đó tập trung duy trì xử lý các phần trách nhiệm với các sản phẩm đã bán và thu hồi công nợ; tập trung bàn giao sản phẩm cho khách và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng cũng như pháp lý cho các dự án chưa đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán.
Ở lĩnh vực nghỉ dưỡng, FLC đặt mục tiêu tăng tỷ lệ OCC (tỷ lệ lấp phòng), tăng chất lượng dịch vụ, xây dựng lại phương án vận hành các quần thể và giao chỉ tiêu vận hành cũng như doanh số.
Bên cạnh đó, FLC cũng sẽ rà soát lại toàn bộ các dự án, các thoả thuận hợp tác đầu tư, thi công xây dựng để đóng gói xây dựng phương án M&A dự án, tái cấu trúc các khoản vay, đặt mục tiêu giảm dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng hiệu quả đầu tư dự án, chấp nhận chuyển nhượng các dự án, các khoản đầu tư chưa/không thể đảm bảo tính hiệu quả để tập trung các dự án cốt lõi có thể mang lại nguồn thu ổn định và thường xuyên.
Với định hướng được nêu ra, một điều rõ ràng có thể thấy, chiến lược thời gian tới của FLC đã không còn chỗ cho mảng hàng không. CTCP Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways từng là "đứa con tinh thần" quý giá mà FLC cực kỳ chú trọng phát triển. Tuy nhiên khi định vị lại hoạt động cốt lõi xoay quanh Bất động sản - Nghỉ dưỡng thì bài toán thoái vốn khỏi Bamboo Airways cũng đã được ban lãnh đạo mới của FLC đặt ra.
Đại diện FLC tiết lộ ban lãnh đạo cũng đã có kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại Bamboo Airways. Công việc sắp tới là xây dựng phương án đánh giá từ các chuyên gia tài chính trước khi có kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, với các hoạt động khác, việc tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu danh mục các khoản đầu tư sẽ được đánh giá lại, từ đó ra quyết định đầu tư tiếp hay chuyển nhượng một phần/toàn bộ.
Những thông tin từ đại diện FLC cho thấy dàn lãnh đạo doanh nghiệp này đang cố gắng lái con thuyền FLC trở lại mảng kinh doanh cốt lõi ban đầu. Thay vì cố gắng duy trì tham vọng đa ngành nghề và xây dựng "hệ sinh thái khép kín" để trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam như thời kỳ ông Trịnh Văn Quyết, sắp tới các khoản đầu tư không lợi nhuận, kém hiệu quả sẽ được FLC tìm cách cắt bỏ dần.
Tuy nhiên, nhìn sang bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn, việc "thanh lý" được các khoản đầu tư sao cho có lợi nhất cũng trở thành mục tiêu có thể kéo dài nhiều năm của ban lãnh đạo FLC.
Vực dậy một doanh nghiệp giai đoạn khó khăn đã khó, tái cơ cấu một tập đoàn với hàng chục công ty con như FLC trong bối cảnh hiện tại còn khó khăn gấp bội. Đây cũng chính là những thách thức mà đội ngũ nhân sự cấp cao mới của FLC phải giải quyết.
Hiện FLC vẫn chưa có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 do biến động về nhân sự cũng như sự thất lạc của một số thông tin và hồ sơ, ngoài ra một số vấn đề còn ảnh hưởng đến số liệu báo cáo tài chính… Do đó nhà đầu tư vẫn còn đang chưa đủ cơ sở để đánh giá được trọn vẹn khả năng tài chính của Tập đoàn này.
Tiền phong