Loạt món ăn ngày Tết ra nước ngoài, một món đặc sản gây thương nhớ rất khó gửi đi
Những chuyến hàng cuối cùng mang theo hương vị Tết đã lên đường phục vụ người Việt xa xứ đón Tết.
- 09-02-2024Những dịch vụ hái ra tiền ngày 30 Tết
- 09-02-2024Cả tháng trôi qua mà Tesla chỉ bán được 1 chiếc xe tại Hàn Quốc: Chuyện gì đang xảy ra?
- 08-02-2024Đây là kho báu trời ban cho Việt Nam được Thái Lan tích cực đổ tiền mua: giá rẻ bèo, xuất khẩu tăng gần 400% trong năm 2023
Với người Việt đang sinh sống và học tập ở nước ngoài, dù có được nghỉ lễ hay không, lúc nào cũng luôn nhớ về Tết cổ truyền ở quê nhà. Khoảng cách địa lý xa xôi khiến hầu hết đều chọn đặt tình cảm vào việc giữ gìn những nét đặc trưng nhất của ngày Tết, đặc biệt là quây quần cùng nhau ăn bữa cơm đón năm mới.
Những năm gần đây, các món ăn Việt Nam nói chung hay đặc sản ngày Tết nói riêng đã không còn quá hiếm như trước kia. Nhiều người có thể tới các siêu thị, gian hàng hay khu chợ chuyên bán đồ Việt Nam để mua về. Song, cảm xúc mong ngóng đơn đặt hàng hay nhận đồ gia đình gửi từ tận quê nhà sang vẫn là một điều gì đó thật khó diễn tả. Ngày càng có nhiều món đặc sản Việt đã theo máy bay ra nước ngoài.
Cá kho làng Vũ Đại và các món cá được đi máy bay ra nước ngoài
Một trong những đặc sản làm mưa làm gió mỗi mùa Tết phải nhắc đến cá kho làng Vũ Đại. Cứ trước Tết một tháng là ngôi làng ở Hà Nam này lại đỏ lửa, người người, nhà nhà cặm cụi bên những niêu cá trắm kho nhừ. Đa phần, những niêu cá này sẽ phục vụ các đơn gửi đi xa, cả trong và ngoài nước. Theo tiết lộ từ một gia đình, trung bình mỗi tháng sẽ kho khoảng 2000 nồi, nhưng riêng dịp Tết sẽ tăng lên khoảng 4000 nồi.
Ảnh: Chí Hiếu
Ngoài cá kho làng Vũ Đại, cá mòi kho Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng nhận được các đơn đặt hàng để gửi phương xa, chủ yếu là Mỹ, Thụy Điển và Hàn Quốc. Tuy nhiên, để có thể gửi ra nước ngoài thì các sản phẩm này đều phải đến từ các cơ sở chế biến được cấp giấy phép, dán nhãn thông tin và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ảnh: Cá mòi kho Kiến Thụy đặc sản Hải Phòng
Mứt dừa miền Tây "xách tay"
Trong khi đó, cũng có một hình thức mà người Việt ở nước ngoài rất ưa chuộng là "xách tay" hay gửi ké hành lý của người quen. Song, số lượng thường bị hạn chế hơn rất nhiều.
Đang sinh sống tại Đài Loan (Trung Quốc), năm nào, chị Ly Võ (Tây Ninh) cũng được mẹ làm mứt dừa gửi sang ăn Tết. Năm nay, tiện sếp từ Việt Nam về, chị đã rủ thêm một vài người bạn bên đó để gom nhờ mẹ làm luôn 10kg. Tuy nhiên, mẹ chị phải chuẩn bị từ trước đó nửa tháng để kịp chuyến bay của sếp vào 22 Tết. "Dù xách tay nhưng mình vẫn phải đóng hộp cẩn thận. Với số lượng này đa phần là mình dùng và tặng cho người quen, chỉ một vài kg là các bạn người Việt khác đặt thôi. Dù có lỉnh kỉnh một chút nhưng mứt dừa do chính tay mẹ làm, không nơi nào sánh bằng", chị chia sẻ.
Mứt dừa được làm và gửi sang Đài Loan (Trung Quốc).
Khâu nhục, pate và gần 30 món được gửi sang Hàn Quốc
Là một trong số những người kinh doanh các món Việt, chủ yếu là ẩm thực Hải Phòng ở khu phố người Việt tại Hàn Quốc, Tết này, không ít người tìm tới chị P.H đặt hàng. Chị P.H có đa dạng các món từ khâu nhục Tiên Yên (Quảng Ninh), pate Hải Phòng, thịt đông, cá trắm kho, giò lụa, chả cốm, chả bề bề, trâu gác bếp, chả mực, hành muối, mứt dừa non... khoảng gần 30 món.
Tuy nhiên, vì quãng đường vận chuyển dài nên chị chỉ nhận order trước 28/1. Ngày 27 vừa qua, chị P.H cũng đã gửi đi chuyến hàng cuối cùng sang xứ sở kim chi để mọi người kịp đón Tết. Tính sơ sơ, hai lần gửi đồ, chị đã bán cho khoảng 375 khách hàng.
Bánh trưng gây thương nhớ nhưng lại rất khó mang đồ nhà gói sang
Bánh chưng là một món ăn mang "linh hồn" của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Thế nhưng, món này lại cực kỳ khó để gửi, dù là hàng xách tay hay ký gửi. Bởi theo quy định của nhiều quốc gia thì không thể mang các món không dán nguồn gốc, xuất xứ và không có giấy chứng nhận/tem bảo đảm. Mà hầu hết, bánh chưng ở các gia đình Việt đều là gói thủ công.
Trong cái khó ló cái khôn, một nhóm du học sinh ở Đức đã sắm các nguyên liệu và quây quần tự gói bánh chưng và cùng nhau thưởng thức. "Có một năm đầu mình không biết nên mẹ gói ở nhà rồi gửi sang, ra đến sân bay đã bị trả về cả vì không đúng quy định. Nên từ đó đến nay đã 4 năm, chúng mình sẽ tụ tập một nhóm bạn người Việt chơi với nhau, rủ nhau đến nhà một người cùng gói bánh chưng, luộc bằng nồi áp suất. Chúng mình cũng chỉ gói 4-5 cái là ăn cả mấy ngày liền", Thùy Dung - một du học sinh tại Đức chia sẻ.
Hay như chị P.H thì sẽ tận dụng nhân lực của quán ăn để gói bánh chưng, giò và nấu xôi ngay tại Hàn Quốc rồi bán cho mọi người. Ước tính số lượng chị P.H đã bán lên tới hơn 100 chiếc bánh chưng.
Bánh chưng được người Việt gói tại Hàn để bán cho người Việt
Xôi gấc tự nấu để bán tại Hàn Quốc.
Dù các món đặc sản Việt Nam được mang ra nước ngoài bằng cách nào đi chăng nữa thì tin chắc rằng, người Việt ở khắp mọi nơi lúc nào cũng hướng về quê nhà, nhớ tới những món ăn đặc trưng của ngày Tết. Bởi chỉ cần thấy bánh chưng xanh, xôi gấc đỏ, thịt kho, mứt dừa... là thấy Tết ngập tràn.
Phụ nữ Việt Nam