MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt phòng tập gym “đua nhau” đóng cửa, ông lớn nào đang dẫn đầu ngành gym ở Việt Nam?

08-10-2024 - 16:35 PM | Doanh nghiệp

Loạt phòng tập gym “đua nhau” đóng cửa, ông lớn nào đang dẫn đầu ngành gym ở Việt Nam?

Ngành công nghiệp thể hình Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 20%, song, phần lớn thị phần hiện nay nằm trong tay những doanh nghiệp cao cấp, theo Vietdata.

Đầu năm 2019, Nikkei Aisia Review trong một bài viết đã nhắc tới Việt Nam và Campuchia là hai thị trường "chực chờ bùng nổ" ngành công nghiệp thể hình. "Vòng eo to hơn của người dân thành thị" mở ra cơ hội đầu tư cho các thương hiệu tên tuổi.

Theo đánh giá của Statistics, ngành công nghiệp thể dục thể hình của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ bình quân 20% mỗi năm đến 2020 với quy mô thị trường khoảng 113 triệu USD.

Chung nhận định, trong báo cáo về thị ngành gym của Vietdata, đơn vị này cũng nhận đinh, ngàng gym Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 20%.

Tuy nhiên, phần lớn "miếng bánh" này nằm trong tay những thương hiệu cao cấp, trong khi những phòng tập bình dân, dù quy mô lớn lại không chiếm được thị phần quá nhiều.

Tại Việt Nam, mô hình phòng tập theo hướng hiện đại phát triển nhanh chóng với một số tên tuổi lớn như: California Fitness & Yoga, Elite Fitness, CityGym… Không ít cái tên đình đám trên thị trường đã cán mốc doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

California Fitness & Yoga

Hiện dẫn đầu ngành công nghiệp thể hình tại Việt Nam là California Fitness & Yoga thuộc Tập đoàn Fitness & Lifestyle Group (FLG) được thành lập năm 2007.

Loạt phòng tập gym “đua nhau” đóng cửa, ông lớn nào đang dẫn đầu ngành gym ở Việt Nam?- Ảnh 1.

Vào Việt Nam từ năm 2007, chuỗi này không chỉ tham vọng dẫn đầu ngành công nghiệp thể hình ở Việt Nam, mà còn tạo ra một hệ thống các công ty được Forbes miêu tả là "hệ sinh thái tăng cường sự sống".

Theo thông tin được đăng tải trên website, California Fitness & Yoga đang sở hữu 35 phòng tập trên toàn quốc, phục vụ 250.000 hội viên, cùng 6 triệu lượt tập luyện mỗi năm tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện, thương hiệu này hiện có khoảng 3.000 nhân viên.

Dữ liệu của Vietdata chỉ ra, dù là trung tâm thể dục thể thao lớn nhất Việt Nam tuy nhiên việc kinh doanh của California Fitness & Yoga cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều trong giai đoạn dịch bệnh. Doanh thu của chuỗi phòng gym này trong những năm gần đây đang có xu hướng giảm.

Cụ thể, trong năm 2021 doanh thu California Fitness & Yoga đạt 931 tỷ đồng giảm hơn 70 tỷ so với năm trước. Cũng trong giai đoạn này California Fitness & Yoga cũng phải chịu những khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, trong lần trả lời trên Forbes, doanh thu năm 2016 của toàn hệ thống này từng được hé lộ đạt 75 triệu USD (khoảng 1.600 tỷ đồng), và dự kiến vượt qua 110 triệu USD (khoảng 2.400 tỷ đồng) vào năm 2017.

Elite Fitness 

Đối trọng hiếm hoi với California Fitness & Yoga trên thị trường là chuỗi Elite Fitness của Đoàn Quốc Huy, con trai ông chủ BIM Group.

Loạt phòng tập gym “đua nhau” đóng cửa, ông lớn nào đang dẫn đầu ngành gym ở Việt Nam?- Ảnh 2.

Ra đời vào năm 2010, Elite Fitness đã phát triển từ câu lạc bộ đầu tiên tại đường Xuân Diệu, Hà Nội, trở thành hệ thống CLB thể thao 5 sao tiêu chuẩn quốc tế với 14 câu lạc bộ trải dài trên toàn quốc. Hệ thống của Elite Fitness còn cung cấp cho khách hàng trên nhiều lứa tuổi các hạng mục tập luyện khác như Kick-boxing, bể bơi bốn mùa trong nhà, Yoga,…

Cũng giống với California Fitness & Yoga, doanh thu của Elite Fitness trong giai đoạn dịch bệnh giảm khá nhiều, đồng thời cũng phải chịu lỗ hàng chục tỷ đồng. Gặp khó khăn từ đại dịch, hai năm nay, với chiến lược kinh doanh thận trọng, không mở thêm chi ngánh mới, tình hình kinh doanh của chuỗi phòng gym này đã cải thiện đáng kể.

Năm 2022 Elite Fitness ghi nhận mức doanh thu đạt 453 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ so với năm 2021. Bên cạnh đó, Elite Fitness cũng đã thu được lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng.

CitiGym 

Ngoài “ông lớn” đã có hàng chục năm kinh nghiệm tại thị trường thể thao Việt Nam, CitiGym – được thành lập năm 2018 cũng là từng bước gia nhập vào CLB trăm tỷ doanh thu. Không mở rộng phạm vi hoạt động ra cả nước, chuỗi phòng tập này hiện có 9 chi nhánh, tất cả đều nằm tại TP HCM phục vụ hơn 100.000 khách hàng và đón 7.000 lượt tập luyện mỗi ngày.

Loạt phòng tập gym “đua nhau” đóng cửa, ông lớn nào đang dẫn đầu ngành gym ở Việt Nam?- Ảnh 3.

Theo dữ liệu của Vietdata, doanh thu của CitiGym trong năm 2022 có sự chuyển biến khá tốt, đạt 483 tỷ đồng, tăng hơn 350 tỷ so với năm 2021. So với những năm trước, lợi nhuận bị bào mòn bởi khoản lỗ 80 tỷ đồng, đến năm 2022, lỗ lũy kế chỉ còn 11 tỷ đồng.

So với ba cái tên kể trên, những chuỗi còn lại hầu hết đều có cách biệt lớn. Hai chuỗi phòng gym mới tuyên bố “tạm” đóng cửa gần đây là Fit24 – Fitness and Yoga và Getfit Gym & Yoga có doanh thu trên 35 tỷ đồng năm 2022.

Thực tế hiện nay, dù có nhiều mô hình phòng tập, thị phần ngành công nghiệp thể hình vẫn nằm trong tay các ông lớn. Bởi đầu tư một phòng tập bình dân là điều không khó, nhưng xây dựng một chuỗi phòng tập cao cấp không hề đơn giản, đặc biệt là bài toán vốn.

Trung bình, chi phí một phòng tập bình dân nhỏ lẻ chỉ cần mặt bằng khoảng 200 - 300 m2 tốn khoảng 500 triệu đồng. Còn mở một phòng tập cao cấp, chi phí có thể lên tới hàng triệu USD. Cụ thể, một phòng tập diện tích 2.500 m2 ngốn không dưới 1,5 triệu USD, còn những phòng tập có quy mô gấp đôi con số này có thể tiêu tốn khoảng 5 triệu USD. Trong đó, tốn kém nhất là chi phí mặt bằng và đầu tư thiết bị với các loại máy tập nhập khẩu.

Tuy nhiên, những chi phí này chỉ là phần khởi động cho cuộc chơi trên thị trường phòng gym cao cấp. Những chi phí để vận hành đội ngũ bán hàng, tiếp thị, xây dựng hệ thống huấn luyện viên chuyên nghiệp cũng khiến dòng tiền đầu tư ban đầu trở thành rào cản tham gia thị trường với những người chơi không có hầu bao rộng rãi.

Theo Thảo Vân

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên