Loạt tiểu thương Saigon Square, Lucky Plaza đóng cửa vì bị truy quét hàng giả
Sau 2 ngày lực lượng quản lý thị trường mở đợt tấn công truy quét hàng giả, hàng loạt tiểu thương tại Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza đã đồng loạt đóng cửa.
- 04-01-2020Ba container hàng Trung Quốc giả mạo nhãn mác Việt Nam để xuất sang Mỹ
- 25-12-2019Tràn lan hàng giả, hàng nhái cuối năm
- 16-12-2019Chợ mạng ngập hàng giả
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Saigon Square và Lucky Plaza là 2 địa điểm đầu tiên được Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) lựa chọn để triển khai Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Hàng loạt gian hàng tại Saigon Square và Lucky Plaza đã đóng cửa khi lực lượng quản lý thị trường mở đợt tấn công hàng giả liên tục nhiều ngày |
Sau 2 ngày ra quân, mùng 8 – 9/1/2020, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP HCM dưới dự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục QLTT đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu LV, Gucci, Montblanc, Burberry, YSL, Valentino, Prada, Hermes, Chanel... tại 14 địa điểm kinh doanh trong trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza. Các mặt hàng bị làm giả chủ yếu là kính, túi, ví, giày dép, dây lưng. Ước tính giá trị hàng vi phạm khoảng 100 triệu đồng.
Ngày10/1, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục mở đợt tấn công thứ 3, ghi nhận sự chuyển biến tích cực, các gian hàng kinh doanh trong Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza đồng loạt đóng cửa, treo biển nghỉ bán, tụ tập theo từng nhóm 7-10 người ngồi buôn chuyện hoặc giả vờ quét dọn... để tránh cơ quan chức năng.
Giới tiểu thương đã biết sợ, chứ không còn công khai thách thức hay tỏ thái độ chống đối.
Điều này cũng trái ngược hẳn với nhiều đợt kiểm tra trước đây - khi cơ quan chức năng rời đi - hàng hóa lại được bày bán công khai như chưa có việc gì xảy ra. Thậm chí, sau các đợt truy quét hàng giả, hạng nhái lại đổ về buôn bán sôi động hơn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) cho biết: "Tinh thần Kế hoạch 3972 của Tổng cục Quản lý thị trường là nói không với các vi phạm và truy quét tới cùng. Mỗi địa bàn sẽ làm liên tục trong nhiều ngày và đột xuất quay lại kiểm tra khi cần. Chúng tôi muốn để tiểu thương hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất của việc kinh doanh để từ đó ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng vi phạm, chuyển hướng sang các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng".
Theo kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT đến hết năm 2020, việc kiểm tra sẽ được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố với hàng trăm địa bàn nổi cộm về hàng giả, hàng nhái.
Tổng cục QLTT cũng đặt ra mục tiêu đến hết tháng 3/2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm.
Đến hết tháng 6/2020: 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Đến hết tháng 12/2020: 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Infonet