MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loay hoay tìm cách chống phân bón giả

01-10-2016 - 07:48 AM | Thị trường

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật và những bất cập trong quản lý, nhiều loại phân bón giả, kém chất lượng được tuồn vào thị trường. Người dân Tây Nguyên đang loay hoay tìm cách chống phân bón giả.

Mới phát hiện phần nổi của tảng băng

Đêm 21/9 vừa qua, lực lượng chức năng thành phố Bảo Lộc mật phục, bắt quả tang cơ sở kinh doanh phân bón Kim Mây (thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu) sản xuất phân bón trái phép. Chủ cơ sở mua các loại phân bón hóa học đơn như SA, lân, magiê, urê, cali từ Trung Quốc, Đài Loan… với tổng trọng lượng khoảng 10 tấn rồi phối trộn, “chế biến” thành phân hỗn hợp NPK, gắn nhãn hiệu của Cty TNHH Phân bón Bình Đông, trụ sở đóng tại thị xã Dĩ An, Bình Dương.

Trước đó, ngày 23/8, Công an huyện Bảo Lâm phát hiện có tới 400 bao phân bón hữu cơ vi sinh dùng cho cây ngắn ngày, nhãn hiệu BIO4 với tổng trọng lượng hơn 20 tấn tại cơ sở sản xuất phân bón trái phép ở tổ 19 (thị trấn Lộc Thắng). Đáng lưu ý, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất phân là bùn than cùng một số loại phân bón để đấu trộn như lân Văn Điển, đạm Phú Mỹ

Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Lâm Đồng vừa phát hiện cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV của ông Nguyễn Văn Toàn (thôn 8, xã Tân Châu, Di Linh) đang bán 6 tấn phân vô cơ đa lượng bón rễ NPK+TE 20-20-15 giả nên đã lập biên bản xử lý. UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 60 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ số phân giả nói trên. Theo Đội trưởng Đội QLTT số 3 Đặng Quốc Khánh, đa số các vụ vi phạm bị phát hiện đều bán phân bón giả, kém chất lượng với giá rẻ, đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Những loại phân bón giả này rất khó nhận biết bằng mắt thường nên nhiều người mua phải hàng giả mà không biết.

Anh Phạm Văn Thủy (trú tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) kể từng mua gần 30 tấn phân bón của một Cty có trụ sở tại Bình Dương. Sau khi bón một phần, phát hiện chất lượng quá kém, anh đề nghị đổi số phân chưa sử dụng nhưng bên bán không đồng ý. Anh lấy mẫu gửi đến một trung tâm kiểm định ở TPHCM để phân tích và phát hiện đa số các thành phần chưa tới 10% so với mức công bố trên bao bì. Khi anh đâm đơn kiện, Cty bảo rằng đó là phân bị làm giả chứ không phải do họ sản xuất. Tòa án cũng không công nhận kết quả giám định do anh Thủy cung cấp với lý do mẫu gửi phân tích không phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện. Anh phải rút đơn kiện.

Không ít nông dân ở Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lâm… phản ánh, vì tin lời của chủ đại lý và những người về địa phương tổ chức hội thảo, tư vấn sử dụng phân bón mà mua phải các loại phân dỏm khiến cà phê bị vàng lá, rụng trái; cà chua héo lá chết hàng loạt. Đem mẫu đi kiểm nghiệm thì phần đất sét và đá vôi nhiều hơn chất dinh dưỡng. Khiếu nại mãi cũng chẳng được gì.

Quản lý chồng chéo

Tại hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam” vừa qua, các chuyên gia cho rằng, công tác chống phân bón giả gặp nhiều khó khăn do văn bản pháp luật chưa đủ tầm để quản lý, còn nhiều sơ hở, chồng chéo trong áp dụng; việc cấp phép sản xuất phân bón khá dễ dàng trong khi chính sách không theo kịp thực tế; chế tài xử phạt chưa mạnh, chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận khủng mà việc kinh doanh phân bón giả mang lại; sự quản lý lỏng lẻo trong hoạt động cấp phép; công tác thanh tra kiểm tra chưa thường xuyên.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng siết chặt hoạt động sản xuất và phân phối phân bón, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng mô hình “bác sĩ dinh dưỡng cây trồng”. Qua đó phổ biến kiến thức, giúp nông dân biết cách phân biệt phân bón thật - giả, sử dụng phân hiệu quả, tránh mua hàng không rõ nguồn gốc, chọn mua hàng ở những điểm phân phối đáng tin cậy, chọn sản phẩm của các thương hiệu uy tín. Các nông hộ nên liên kết hình thành tổ hợp tác để mua phân bón, vật tư nông nghiệp với số lượng lớn, có hợp đồng từ các nhà cung cấp uy tín.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã chỉ đạo các Sở Công Thương và Sở NN&PTNT phối hợp lập danh sách những địa chỉ có uy tín trong số 2.400 đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp để công bố rộng rãi cho nông dân lựa chọn. Đại lý, cửa hàng nào sau khi được công bố danh sách mà có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt và tước chứng nhận.

Trong năm 2015, Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng xử lý 46 vụ vi phạm: 2 vụ sản xuất phân bón giả, 13 vụ sản xuất phân bón không đạt định lượng so với tiêu chuẩn công bố, 31 vụ vi phạm về nhãn mác và môi trường. 9 tháng qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cũng phát hiện gần 10 vụ sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BTTV giả, kém chất lượng.

Theo Kim Anh

Tiền phong

Trở lên trên