MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loay hoay tìm giải pháp cho các đường vành đai

Khu vực đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 3. (Ảnh: NLĐ)

Khu vực đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 3. (Ảnh: NLĐ)

Quy hoạch để thực hiện các đường vành đai của TP Hồ Chí Minh đã có từ lâu, nhưng đến thời điểm này đều chưa triển khai hoặc thực hiện dang dở.

Có thể kể đến như đường Vành đai 2 còn thiếu 14 km để khép kín, Vành đai 3 đang chờ Quốc hội thông qua chủ trương, còn đường Vành đai 1 và Vành đai 4 vẫn chưa biết khi nào thực hiện.

Được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa thực hiện 4 tuyến đường này, nhưng chỉ có một kết quả. Đó là nếu không tạo sự đột phá về giao thông, TP Hồ Chí Minh khó phát triển, liên kết vùng không thể thực hiện.

Một trong những nguyên nhân khiến dự án đường Vành đai 2 TP Hồ Chí Minh chưa thể hoàn thành 14 km cuối cùng nằm ở hình thức đầu tư. Đoạn 1 và 2 của dự án trước đây tính thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BT. Tuy nhiên, loại hợp đồng này hiện loại khỏi luật PPP nên 2 dự án chuyển qua đầu tư công.

Các chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, thay vì loay hoay giữa việc chọn hình thức đầu tư nào, nhà đầu tư hay nói cách khác là các địa phương vẫn chưa tận dụng ưu thế sẵn có.

"Cái lâu nay mình khó làm, chưa làm được là khai thác quỹ đất 2 bên đường. Việc này rất cần có một chính sách đất đai, chính sách tài chính đất đai nó rõ ràng hơn; phải có biện pháp nào đó để những người có đất 2 bên đường tham gia vào việc làm tuyến đường đó", ông Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, đánh giá.

Hầu hết vốn để thực hiện các dự án đường vành đai đều rất lớn, liên quan đến nhiều địa phương. Việc triển khai, lập dự án đến khâu thi công đều mất rất nhiều thời gian và phụ thuộc vào chủ trương thông qua tại các kỳ họp Quốc hội.

Theo các chuyên gia, nhiều địa phương lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đều có khả năng thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn để tự thực hiện. Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia lại là cơ chế.

"Khi có vốn thì chúng ta phải có cơ chế để nhà đầu tư cũng được hưởng lợi của người ta, chứ người ta đã là nhà đầu tư tư nhân thì có lời người ta mới làm. Giữa công và tư giải quyết thế nào. Chỗ này cũng phải để các tỉnh, các thành phố tự giải quyết, phải bằng cơ chế đặc thù", PGS. TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia Giao thông đô thị, nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, chỉ đến khi thực hiện dự án đường Vành đai 3, nhiều nơi mới nhận ra, giao thông tại TP Hồ Chí Minh không chỉ là giao thông của thành phố, mà còn là giao thông vùng.

"Vùng chính là kết nối giao thông chứ, còn những chuyện kinh tế khác là chuyện của mỗi tỉnh. Tuy nhiên, khi có kết nối giao thông thì mới có giao thương về kinh tế, giao thương xã hội chính là vùng nên vùng chính là giao thông vùng. Thành phố này phải đi làm việc với các tỉnh để lên được dự án giao thông vùng, kết nối ra làm sao, đường bộ thế nào, đường thủy, đường sắt thế nào", PGS.TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia Giao thông đô thị, nhấn mạnh.

Chỉ còn ít ngày tới, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ được Quốc hội thông qua về mặt chủ trương. Trong kỳ họp này, không ít đại biểu Quốc hội nhìn nhận, tầm quan trọng của Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và cả vùng. Tuy nhiên, một Vành đai 3 sẽ không làm nên chuyện khi các dự đường vành đai còn lại vẫn loay hoay tìm giải pháp thực hiện.

Theo Ban Thời sự

VTV News

Trở lên trên