Loay hoay với tiêu chí "sản xuất tại Việt Nam"
Việc thiếu quy định của pháp luật về hàng sản xuất tại Việt Nam khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị thiệt thòi.
- 09-08-2023Mở cửa đón doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam đầu tư
- 09-08-2023Chuyên gia đề xuất Giải pháp tổng thể tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh hiện nay
- 09-08-2023TP HCM: 100 doanh nghiệp nợ thuế hơn 7.861 tỉ đồng
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc thực hiện giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực công thương. Tại báo cáo này, Bộ Công Thương nêu ra một loạt vướng mắc khiến thông tư về "sản xuất tại Việt Nam - made in Vietnam" do bộ đề xuất xây dựng từ năm 2018 đến nay vẫn chưa ban hành được.
5 năm chưa ban hành được quy định
Báo cáo nêu rõ tại thời điểm đó, bộ đề xuất và xây dựng văn bản "Sản xuất tại Việt Nam" ở cấp thông tư, với nội dung bao gồm 2 chính sách: Quy định bộ tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và quy định cách thể hiện (cách ghi nhãn) hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Do quy định chính sách về cách ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vượt quá thẩm quyền nên bộ đã đề nghị nâng hình thức văn bản lên cấp nghị định của Chính phủ. Sau đó, nội dung chính sách đã được đưa vào Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Do vậy, việc ban hành văn bản "made in Vietnam" ở cấp nghị định không còn cần thiết.
Bên cạnh đó, việc ban hành thông tư với nội dung quy định quản lý về hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam" chặt hơn so với hành lang pháp lý hiện có đối với hàng hóa lưu thông trong nước, trên cơ sở căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, vững chắc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, tác động đến hệ thống văn bản pháp luật hiện tại, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp (DN).
Đã từng có doanh nghiệp điện máy nhập linh kiện nước ngoài về lắp ráp rồi gắn mác “made in Vietnam” để bán ra thị trường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, với các DN trong nước, đặc biệt những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hay hộ kinh doanh, việc xác định mã số HS (mã phân loại hàng hóa) hay tính toán hàm lượng giá trị của từng nguyên liệu trong sản phẩm để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định tại thông tư sẽ là thách thức lớn, thậm chí có thể phát sinh chi phí lớn để tuân thủ các quy định này.
Do hoạt động truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, DN khó xác định nguồn gốc xuất xứ của từng linh kiện, từng nguyên liệu. "Xét trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang hết sức khó khăn, việc ban hành quy định, điều kiện mới có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho DN là chưa phù hợp tại thời điểm này" - Bộ Công Thương cho biết.
Lỗ hổng pháp lý lớn
Tuy vậy, theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, việc thiếu quy định của pháp luật về hàng sản xuất tại Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước là một lỗ hổng pháp lý.
Với lỗ hổng này, người tiêu dùng và các DN sản xuất trong nước sẽ bị thiệt thòi. "Đã từng xảy ra những vụ việc thương nhân nhập hàng hóa giá rẻ nước ngoài rồi gắn mác sản xuất trong nước để bán giá cao nhưng thiếu chế tài xử lý. Những vấn đề này cần khắc phục ngay, không thể để kéo dài nhiều năm như vậy" - bà Thu nêu quan điểm.
Cũng theo bà Thu, nếu chưa có quy định chính thức thì phải có quy định tạm thời làm cơ sở xác định hàng hóa xuất xứ Việt Nam để tạo hành lang pháp lý cho DN tuân thủ, người dân có cơ sở phân biệt xuất xứ hàng hóa.
Bà Thu cho rằng hiện kinh tế khó khăn thì càng phải bảo vệ sản xuất trong nước, không thể thả nổi. "Tôi cho rằng ban hành một quy định về nguyên tắc xác định xuất xứ cho hàng hóa Việt Nam lưu thông trong nước không khó đến như vậy. Trước giờ các DN cũng tự xác định xuất xứ và tự chịu trách nhiệm, thì nay chuẩn hóa, bổ sung một số vấn đề còn thiếu" - bà Thu bày tỏ.
Đồng quan điểm với bà Thu, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết vì thiếu tiêu chí "sản xuất tại Việt Nam" nên tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua.
Không chỉ người tiêu dùng thiệt thòi vì mua phải hàng hóa không đúng xuất xứ, hàng gắn mác "made in Vietnam" nhưng sản xuất ở nước khác hoặc chỉ có khâu lắp ráp thành phẩm ở Việt Nam mà các DN sản xuất trong nước cũng bị ảnh hưởng, bị cạnh tranh không lành mạnh ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
"Đã có một số DN nước ngoài chào mời hợp tác, xuất khẩu sản phẩm của họ dưới thương hiệu Duy Khanh và xuất xứ Việt Nam nhưng tôi từ chối. Bởi nếu bắt tay cho họ mượn xuất xứ Việt Nam là gián tiếp tạo áp lực cạnh tranh về giá cho hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo rủi ro liên quan đến phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu" - ông Tống bày tỏ.
Theo ông Đỗ Phước Tống, các DN rất cần có bộ tiêu chí "sản xuất tại Việt Nam" và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu mà cơ quan chức năng đề ra bởi đây sẽ là công cụ để bảo vệ sản xuất trong nước. "Không thể để kéo dài tình trạng DN mua gần như toàn bộ nguyên vật liệu, linh kiện ở nước ngoài, đem về Việt Nam đóng thùng và dán nhãn "sản xuất tại Việt Nam", cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất trong nước 100%.
Như vậy là không sòng phẳng với người tiêu dùng, bởi người dân sẵn sàng mua hàng ngoại nhập đúng chất lượng, xuất xứ còn khi đã xác định ưu tiên dùng hàng Việt Nam để ủng hộ sản xuất trong nước thì phải bảo đảm đó là hàng Việt đích thực" - ông Tống nêu quan điểm.
“Cần quay lại mục đích, sự cần thiết phải ban hành quy định. Nếu để khắc phục tình trạng hàng hóa nước ngoài giá rẻ, thay đổi nhãn mác hoặc thực hiện các công đoạn gia công, chế biến đơn giản rồi dán nhãn “made in Vietnam” thì chỉ cần nghiêm cấm những hành vi này. Như vậy dễ hiểu và dễ tuân thủ, không phát sinh chi phí cho nhà sản xuất” - bà Nguyễn Thị Hồng Minh đề xuất.
Người lao động