MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lọc dầu Dung Quất thu bao nhiêu tiền trong ngày đầu IPO?

Toàn bộ 241 triệu cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất được bán hết trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 17/1. Mức trúng đấu giá thấp nhất là 20.800 đồng. Với mức giá trung bình 23.043 đồng, dự kiến, nhà nước thu về hơn 5.566 tỷ đồng sau đợt IPO này.

Đó là thông tin được Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) vừa công bố. Theo đó, số cổ phần này tương đương 7,79% cổ phần BSR. Sau phiên đấu giá, tổng số nhà đầu tư trúng giá là 623; trong đó 62 tổ chức, 561 cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài trúng hơn 147 triệu cổ phần, còn lại nhà đầu tư trong nước.

Trước đó, có hàng nghìn lượt cổ đông lẻ và tập thể đăng ký mua cổ phần BSR tại các điểm đăng ký đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi,… Sau 3 tuần, có tổng số 4.079 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Cty BSR, trong đó có 3.957 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 7 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, 48 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 67 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Tổng khối lượng cổ phần đăng ký đợt IPO này là 651.789.522 cổ phần, gấp 2,7 lần lượng chào bán, trong đó lượng đặt mua của nhà đầu tư cá nhân trong nước là hơn 248 triệu cổ phần, của tổ chức nước ngoài là hơn 338 triệu cổ phần.

Sau đợt đấu giá này, BSR sẽ bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược 49% cổ phần (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước). Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 43% cổ phần tại BSR.

Theo lãnh đạo BSR, năm 2017, sản lượng sản xuất của công ty 6,1 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn; doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10.392 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỷ đồng. Bên cạnh việc chỉ số sản xuất kinh doanh tăng, chỉ số về tiêu hao năng lượng, hóa phẩm xúc tác, tồn kho… của NMLD Dung Quất ngày càng giảm. “Tất cả những điều đó cho chúng ta nhìn nhận rằng NMLD Dung Quất tiếp tục đi lên, đi tới những đích xa hơn trong tương lai”, lãnh đạo BSR nhấn mạnh.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt đến cổ phần BSR, mong muốn trở thành đối tác chiến lược như Tập đoàn Vitol, Tập đoàn SNT , Tập đoàn Macron Petroleum (châu Phi), Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha).

Trong nước, Tập đoàn Petrolimex cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR, và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất.


Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên