Lộc Trời chuẩn bị giao dịch trên sàn Upcom vào cuối tháng 7
Theo nguồn tin riêng của NDH, CTCP Tập đoàn Lộc Trời dự kiến sẽ chính thức đưa 67 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM vào cuối tháng 7/2017.
- 12-05-2017Lộc Trời và một tập đoàn Trung Quốc lập 2 công ty liên doanh mở đường tiêu thụ nông sản Việt sang Trung Quốc theo đường chính ngạch
- 18-04-2017Chuẩn bị lên sàn Upcom, Lộc Trời Group đặt kế hoạch lợi nhuận 2017 tăng hơn 30%
- 05-04-2017Chuẩn bị lên sàn Upcom, mảng kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn nhất của “đại gia” nông nghiệp Lộc Trời đang lao dốc
Trước đó, Lộc Trời đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 31/3/2017 để làm thủ tục đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Như vậy, lộ trình niêm yết của Lộc Trời đang được đẩy nhanh hơn so với kế hoạch trước đây.
Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang thành lập ngày 30/11/1993 với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là cung ứng thuốc bảo vệ thực vật. Ban đầu phạm vi hoạt động của công ty chỉ ở quanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1994, Công ty mở văn phòng đại diện tại TPHCM và sau đó mở rộng phạm vi kinh doanh trên cả nước.
Năm 1996 với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Giống đi vào hoạt động và đầu tư xây dựng 2 nhà máy gia công, chế biến nông dược tổng công suất 5.000 tấn mỗi năm, Công ty chính thức bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh hạt giống.
Công ty cổ phần hóa năm 2004 với vốn điều lệ 160 tỷ đồng.
Năm 2011, kiềng ba chân của công ty bắt đầu hình thành với chuỗi giá trị gạo bao gồm 5 nhà máy đặt tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Thương hiệu gạo "Hạt Ngọc Trời" của công ty không chỉ có chỗ đứng tại thị trường trong nước mà đã có mặt tại 36 quốc gia trên thế giới.
Năm 2015, công ty đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời. Lúc này vốn điều lệ của công ty tăng lên 671,6 tỷ đồng.
Như vậy sau 23 năm hoạt động, Lộc Trời đã dần hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu nghiên cứu đến khâu sản xuất, tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản chiến lược như lúa gạo, cà phê… và tiếp tục là nhà phân phối nội địa và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp lớn nhất cả nước theo mô hình sản xuất liên kết dọc.
Chiến lược phát triển bền vững của Lộc Trời
Kể từ khi cổ phần hóa năm 2004 đến nay, bất chấp nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, kết quả kinh doanh của Lộc Trời luôn đạt mức hết sức khả quan. Năm 2016 công ty ghi nhận mức doanh thu đạt 7.783 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn đạt 347 tỷ đồng, gấp 7 lần về doanh thu và 3 lần về lợi nhuận so với thời điểm mới cổ phần hoá. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu năm 2016 của Lộc Trời đạt 4.382 đồng.
Trong các năm qua, công ty luôn duy trì cổ tức ở mức cao 30%/năm.
Tính đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 2.176 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ đạt 671 tỷ, phần còn lại là thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến 31/03/2017, Tập đoàn có 5 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 44,04% vốn, tương đương 29,58 triệu cổ phiếu. Cổ đông Nhà nước là Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang sở hữu 16,22 triệu cổ phiếu, ứng 24.15% vốn. Các cổ đông lớn nước ngoài gồm Marina Viet Pte. Ltd (25,21% vốn), Standard Chartered Private Equity (Singapore) Pte. Ltd (8,18%) và Vietnam Azalea Fund Limited (6,07%).
Năm 2017, Lộc Trời đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% về doanh thu lên 8.287 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 597 tỷ đồng (tăng 28,7%) và lợi nhuận sau thuế đạt 460 tỷ đồng (tăng 31,8%), tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 5.822 đồng.
Với kết quả kinh doanh khả quan, Lộc Trời sẽ trở thành lựa chọn mới cho các nhà đầu tư muốn giải ngân vào lĩnh vực nông nghiệp trên sàn chứng khoán.
NDH