MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộc Trời nói gì về các nghi ngại của nhà đầu tư đối với mảng lương thực và giống cây trồng?

23-07-2017 - 11:03 AM | Doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh của Lộc Trời đã bị sụt giảm sâu trong 2 năm 2015-2016 do kết quả kinh doanh không khả quan từ 2 mảng kinh doanh lương thực và giống cây trồng.

Ngày 24/7, cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời sẽ chính thức giao dịch trên sàn Upcom với giá tham chiếu 55.000 đồng/cp. Là một trong những công ty công ty nông nghiệp và vật tư nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, Lộc Trời nhận được sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh sự quan tâm, các nhà đầu tư cũng đặt ra nhiều thắc mắc liên quan đến kết quả kinh doanh và triển vọng của công ty sau khi kết quả kinh doanh đã sụt giảm trong 2 năm 2015-2016.

Trong buổi gặp gỡ mới đây với nhà đầu tư, ông Huỳnh Văn Thòn - chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty - đã có một số giải đáp về vấn đề này.


Doanh thu và lợi nhuận của Lộc Trời dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại sau 2 năm sụt giảm sâu

Doanh thu và lợi nhuận của Lộc Trời dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại sau 2 năm sụt giảm sâu

Kế hoạch lợi nhuận năm 2017 là 460 tỷ, tuy nhiên, đến cuối tháng 6 mới đạt 173 tỷ, tức khoảng hơn 1/3 chỉ tiêu kế hoạch. Vậy khả năng công ty hoàn thành kế hoạch cả năm đến đâu?

Trước hết, xin đính chính lợi nhuận đến cuối tháng 6/ 2107 theo báo cáo soát xét là 196 tỷ chứ không phải 173 tỷ. Lộc Trời hoạt động trong ngành nông nghiệp nên phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ. Như mọi người cũng đã biết, vụ Đông Xuân là vụ lúa chính ở Việt Nam, chiếm khoảng 45-46% tổng sản lượng lúa hàng năm của cả nước. Do vậy, kết quả kinh doanh những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 12 thường đóng góp một tỷ lệ cao trong tổng lợi nhuận của cả năm…

Thứ hai, chúng tôi đang mở rộng chuỗi giá trị ở các cây trồng tiềm năng tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Đặc biệt là đang hợp tác cung ứng dịch vụ nông nghiệp cho các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, VinEco… Chúng tôi đang mở rộng hợp tác với nhiều đối tác lớn để hoàn thiện bộ sản phẩm trên nhiều loại cây trồng, mở rộng địa bàn, mở rộng phân khúc thị trường. Cùng với việc nâng cao quản trị trong toàn hệ thống, chúng tôi tin rằng hiệu quả lợi nhuận chung của công ty sẽ tăng vào cuối năm 2017.

PV: Mảng kinh doanh ngành lương thực của Lộc Trời tại sao lại lỗ và làm thế nào để mảng kinh doanh này hết lỗ?

Để giải thích vì sao Lộc Trời lỗ trong mảng kinh doanh lương thực phải nhìn vào mô hình kinh doanh của công ty trước đây. Ngành lương thực ra đời chính là để hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của Lộc Trời. Từng phân đoạn trong chuỗi này đều có mối quan hệ hỗ tương chặt chẽ với nhau. Đây cũng chính là chiến lược cạnh tranh tạo sự khác biệt, thể hiện tầm nhìn phát triển bền vững, ý thức gắn liền lợi ích của doanh nghiệp với trách nhiệm cộng đồng.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, Lộc Trời đã phát triển khá nhanh các vùng sản xuất nhưng lại chưa hoàn toàn đảm bảo được đầu ra mà phụ thuộc chủ yếu vào những biến động trên thị trường thế giới. Do vậy khi xảy ra những biến động về thị trường lúa gạo, trong đó có việc chính phủ Thái Lan xả kho, dẫn đến nguồn cung dồi dào khiến giá gạo thế giới giảm, việc kinh doanh của Lộc Trời đã không được suôn sẻ như dự kiến.

Tuy nhiên, với kế hoạch tái cấu trúc thời gian tới đây, chúng tôi tự tin tình trạng này sẽ không còn kéo dài. Cụ thể, Lộc Trời chuyển dịch sang chủ yếu sản xuất các loại gạo thơm và gạo có giá trị cao, và sản xuất theo đơn đặt hàng thông qua các hợp đồng dài hạn với các khách hàng lớn và ổn định..

Như vậy, sẽ chủ động trong việc hoạch định vùng nguyên liệu, tránh được những biến đổi bất lợi về giá nông sản thế giới cũng như giúp công ty tận dụng được hiệu quả hơn dây chuyền sản xuất của mình, từ đó cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận trong mảng kinh doanh này.

Có thể năm 2017 chúng ta sẽ vẫn còn thấy những dư âm từ mô hình kinh doanh cũ nhưng sang năm 2018 khi phần lớn kế hoạch tái cấu trúc đã được thực thi và đi vào vận hành, cũng như khi Philippines mở cửa cho phép tư nhân nhập khẩu sẽ giúp gia tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu của Lộc Trời. Song song đó, chúng tôi cũng tập trung phát triển thị trường nội địa dựa trên tiêu chí chất lượng và an toàn.

Pan Group đã mua lại Vinaseed và Southern Seed, đồng thời mua lại một phần công ty CP Giống Thái Bình, làm thế nào để ngành giống của Lộc Trời có thể cạnh tranh với các công ty giống lớn đó sau khi họ hợp nhất với nhau?

Cạnh tranh là tất yếu và mỗi công ty đều có thế mạnh riêng của mình. Lộc Trời vốn có lợi thế về giống lúa thuần, đặc biệt tại ĐBSCL. Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác thị trường nông dân để giống lại, và phát triển thị phần giống độc quyền. Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai hợp tác với Công ty Viên Thị Hồ Nam (Trung Quốc) – có ưu thế vượt trội về giống lúa lai - để xây dựng và phát triển thị trường ở Trung quốc.

Ngoài ra, Lộc Trời đang chúng tôi đẩy mạnh mảng rau màu, xây dựng và phát triển thị phần ở các phân khúc sản phẩm có giá trị cao, tiêm năng thị trường lớn. Chúng tôi có chiến lược hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, Viện, Trường để khai thác sản phẩm mới.

Cuối cùng, sau khi thực hiện tái cấu trúc, ngành kinh doanh giống của Lộc Trời sẽ tận dụng được mạng lưới phân phối rộng lớn của ngành kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời với 26 chi nhánh và hơn 5.000 đại lý trên toàn quốc. Trên thực tế, ngành giống đã bắt đầu gặt hái những kết quả bước đầu rất tích cực từ quá trình tái cấu trúc, điều này thể hiện trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Trường Sơn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên