MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Logistics bắt nhịp ‘dòng chảy xanh’

Nhiều doanh nghiệp (DN) logistics đang từng bước tham gia hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất, nhập khẩu với những tiêu chí xanh, bởi hầu hết các DN logistics đều hiểu rằng, đó là bước đi quan trọng hướng tới phát triển bền vững.

Logistics bắt nhịp ‘dòng chảy xanh’ - Ảnh 1.

Tân Cảng - Cát Lái là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC.

Lượng phát thải lớn

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, những năm gần đây mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, song ngành logistics Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các DN và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ vào kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trong tiến trình hội nhập toàn cầu, logistics nhanh chóng chuyên môn hóa và trở thành ngành dịch vụ đóng vai trò vô cùng quan trọng với nền kinh tế. Tuy nhiên, mặc dù giữ vị trí thiết yếu trong chuỗi sản xuất, thương mại nhưng logistics lại là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đáng kể khi hoạt động vận chuyển hàng hóa chiếm tới khoảng 8% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2; trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm; đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang bị đánh giá cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới (1.090 gam CO2/GDP).

Do đó, phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của ngành. Mục đích của logistics xanh là tối ưu hóa mối liên hệ giữa việc vận hành kho, phân phối hàng hóa và môi trường tự nhiên. Qua đó, phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm giảm tính sẵn có và chất lượng tài nguyên.

Đây cũng là yếu tố thúc đẩy xu hướng “xanh hóa” ngành logistics. Hiện nhiều DN logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ cũng yêu cầu tiêu chuẩn khí thải đối với các DN logistics thứ 3.

Doanh nghiệp vào cuộc “xanh hóa”

Hiện có nhiều DN trong ngành đã và đang bắt nhịp với xu hướng logistics xanh, lan tỏa thông điệp ý nghĩa về môi trường và thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Đơn cử, Tân Cảng Sài Gòn đã xây dựng cảng xanh hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường với các mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sạch, xây dựng và áp dụng các biện pháp bảo vệ và thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý các hoạt động; thay thế thiết bị nâng hạ sử dụng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện giúp tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn… Trong đó, Tân Cảng - Cát Lái tại TPHCM là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm và ách tắc giao thông, hiện nay, 80% vận chuyển hàng hóa giữa cảng Cái Mép - Thị Vải và khu vực lân cận với Tân Cảng Sài Gòn được thực hiện bằng xà lan thay cho ô tô tải. Ở các cảng thành phần phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long được phát triển vận tải bằng xà lan thay cho xe tải đã góp phần giảm thiểu khí thải CO2...

Một ví dụ khác, Kho lạnh Nam Hà Nội là một trong những DN kinh doanh dịch vụ kho lạnh hưởng ứng sớm nhất đã đạt danh hiệu Năng lượng xanh Hà Nội 3 sao do UBND Hà Nội trao tặng. Với dịch vụ đóng gói hàng hóa và sử dụng màng bọc dễ phân hủy được làm từ nguyên liệu bao bì đơn giản nhất, có thể phân hủy trong tự nhiên, DN đã bước thêm một bước chung tay với xã hội bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên đánh giá hoạt động gây hư hại hàng hóa và những điểm chưa tốt, chưa đúng trong quá trình vận chuyển có tác động trực tiếp tới ô nhiễm môi trường.

Đó là những minh chứng cho thấy, cùng với dòng chảy “xanh hóa” của nền kinh tế, các DN logistics đã và đang nỗ lực thâm nhập vào dòng chảy này. Bởi, hơn lúc nào hết các DN ngành logistics nói riêng, cộng đồng DN nói chung đều hiểu rõ rằng, chỉ khi phát triển xanh, bảo vệ môi trường, có trách nhiệm xã hội, thì DN mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Ngược lại nếu đi ngược với xu hướng “xanh”, DN sẽ khó tồn tại.

Để “xanh hóa” logistics, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế cho rằng, nhà quản lý cần sớm xem xét xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển logistics xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức, đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp. Ngoài ra, về cơ chế, chính sách, cần khuyến khích, thúc đẩy DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ phát triển logistics xanh, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, thay đổi phương thức vận tải; tạo động lực thông qua giảm thuế và chi phí cho DN.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cộng đồng DN trong ngành rất cần được hỗ trợ nguồn vốn để phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong khuôn khổ chương trình hành động quốc gia về logistics. Bởi, trong bối cảnh mới, không chỉ ngành logistics mà tất cả các lĩnh vực đều cần có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế để có đủ sức cạnh tranh.

Nhấn mạnh vai trò của ngành logistics đối với nền kinh tế, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu quan điểm, xanh hóa hay nói cách khác, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để toàn ngành phát triển bền vững. Do vậy các hiệp hội, ngành hàng cần nâng cao ý thức, chung tay kiến tạo hệ sinh thái logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối hàng hóa. Ông Hải cho biết, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ DN tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp.

Theo Thanh Xuân

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên