Logistics Việt Nam: Cung cầu “lệch pha” khó tạo ra thị trường sôi động
Việt Nam đã có cải tiến về dịch vụ logistics nhưng sự kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn còn nhiều hạn chế.
- 21-03-2021“Nút thắt” chi phí Logistics của nông nghiệp
- 12-03-2021Vì sao Việt Nam lọt Top 10 chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021?
- 25-02-2021Vì sao giảm tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP?
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, độ mở của nền kinh tế rất cao nên nhu cầu dự trữ, vận chuyển, xếp dỡ, giao hàng, thanh toán (dịch vụ logistics) cần đạt đến một trình độ phát triển cao, từ đó mới có thể đáp ứng sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều lợi thế nhưng thiếu cơ chế
Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.
Tuy vậy, trên thực tế chi phí của dịch vụ logistics tại Việt Nam còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Với lợi thế hơn 3.000 km bờ biển, mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng vận tải đường sông và đường biển ở Việt Nam còn hạn chế. Công nghệ vận tải đường sắt nhiều năm qua không có nhiều thay đổi nên Việt Nam chủ yếu vẫn sử dụng vận tải đường bộ.
Nhiều doanh nghiệp logistics đã được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại. (Ảnh: logistics.gov.vn)
Nhận xét về dịch vụ logistics tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Cơ sở hạ tầng giao thông thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế và việc kết nối giữa các nước trong khu vực còn chậm, sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả.
"Việt Nam chưa có những doanh nghiệp (DN) logistics lớn vươn ra tầm khu vực và thế giới, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics cho các loại hình doanh nghiệp, nguồn nhân lực cho hoạt động này chưa đạt yêu cầu", ông Phú nói.
Có thể thấy trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có cải tiến về dịch vụ logistics nhưng sự kết nối giữa các phương thức vận tải rất kém. Điều kiện để đảm bảo cho hoạt động logistics như nhà gom, chỗ phân loại, chỗ đóng gói cũng khá kém..., dẫn tới làm giảm Chỉ số logistics của Việt Nam.
Theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), hoạt động logistics là tổng hòa tất cả các yếu tố phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa, trong đó có cả xuất nhập khẩu và thị trường nội địa. Khi cải thiện được Chỉ số logistics sẽ tạo ra nhiều tác động tốt nhưng điều này đang bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố.
Cụ thể, môi trường kinh doanh của thị trường logistics vẫn còn hạn chế. Nhà nước phải tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển thị trường logistics trong nước và trong hoạt động xuất nhập khẩu. Cùng với đó, cần thay đổi được cách làm ăn của các đơn vị làm dịch vụ logistics và điều quan trọng hơn, các DN sản xuất kinh doanh trong nước cũng như xuất nhập khẩu cần phải biết cách sử dụng dịch vụ logistics, tạo ra một thị trường đủ lớn để phát triển hoạt động logistics.
"Cần có một chính sách đồng bộ để phát triển thị trường logisitcs, trong đó tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các DN cung ứng dịch vụ logistics. Logistics Việt Nam có hơn 4.000 DN nhưng vô cùng nhỏ bé và không liên kết với nhau; có vài nghìn DN hoạt động xuất nhập khẩu nhưng lại tự lo lấy hoạt động logistics, hoạt động thuê ngoài rất hạn chế. Điểm quan trọng bậc nhất hiện nay vẫn là môi trường pháp lý để phát triển thị trường logistics, trong đó có cả phát triển cung, phát triển cầu và điều kiện để hoạt động trên thị trường đó", PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
"Làm tất ăn cả" là đi ngược lại xu thế phát triển
Đưa ra những giải pháp cơ bản để phát triển logistics trong những năm tới, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, tư tưởng xuyên suốt vẫn phải giảm chi phí về logistics để nâng cao hiệu quả của sức cạnh tranh của các DN và của cả nền kinh tế. Logistics Việt Nam phải trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn sự phát triển của ngành này với thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu một cách đồng bộ. Cùng với đó là việc phát triển hệ thống giao thông vận tải hiện đại cũng như chuyển đổi số trong lĩnh vực này trong một thời gian gần nhất.
"Cần tạo lập môi trường phát triển bình đẳng và cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các thành phần kinh tế và các DN tham gia logistics. Khuyến khích và thu hút việc đầu tư vào lĩnh vực này với lợi thế của Việt Nam về địa lý, cơ sở hạ tầng sẵn có mà trước hết cần kết nối dịch vụ với các nước trong khu vực ASEAN", ông Phú chỉ ra.
Cần có cơ chế khuyến khích và thu hút việc đầu tư vào lĩnh vực logistics. (Ảnh: logistics.gov.vn)
PGS.TS. Phạm Tất Thắng thì cho rằng, Nhà nước phải tạo ra được môi trường để phát triển dịch vụ logistics cho các DN dịch vụ logistics có điều kiện hoạt động, cơ sở hoạt động, phương tiện hoạt động; tạo ra một yêu cầu môi trường để khách hàng là các nhà sản xuất và kinh doanh sử dụng dịch vụ logistics.
"Khi nào hai yếu tố này gặp nhau mới hi vọng có được sự phát triển của thị trường logistics, từ đó cải thiện Chỉ số logistics", PGS.TS. Phạm Tất Thắng nhìn nhận và cho rằng trước hết các DN cần thay đổi nhận thức về kinh doanh. Nếu các DN vẫn tiếp tục chủ trương mang tính chất tự cung, tự cấp, ít sử dụng các dịch vụ khác trong đó có dịch vụ logistics sẽ đi ngược lại xu thế phát triển của thị trường.
"Với các DN cung cấp dịch vụ logistics cũng phải thay đổi, chuyển sang hoạt động của DN số. DN dịch vụ logisitics phải chuyển đổi số để khách hàng có thể kết nối với người cung cấp, khách hàng theo dõi được từng bước đi của hàng hóa. Tất cả những khâu đó nếu không chuyển đổi số sẽ không giải quyết được vấn đề, không đáp ứng được yêu cầu thực tế", PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ./.
VOV