MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi dụng kẽ hở của Quyết định 60, bùng nổ phân lô bán nền ở vùng ven TP.HCM

21-01-2018 - 13:17 PM | Bất động sản

Quyết định 60/2017/QĐ-UBND thay thế Quyết định 33 quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa tại TP.HCM được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Tuy nhiên vẫn có “lổ hổng” để các đầu nậu thu mua đất trục lợi.

Phân lô bán nền tràn lan

Giai đoạn nửa cuối năm 2017, phân khúc đất nền vùng ven TP.HCM bỗng lên “cơn sốt”, giá đất tăng bình quân 30%. Có những khu vực giá đất tăng đến 70% so với đầu năm. Khu vực “nóng” nhất tập trung ở quận 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Cần Giờ…

Tại các địa phương này, giá đất nền tăng trung bình 20 triệu đồng/m2. Riêng một số nơi ở huyện Cần Giờ, giá đất bất ngờ tăng cao, tuỳ vị trí mức tăng dao động từ 10 – 12 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, “cơn sốt” nói trên được hạ nhiệt kịp thời nhờ sự vào cuộc của các sở ban ngành Thành phố.

Đầu năm 2018, thị trường đất nền vùng ven có dấu hiệu “sốt” trở lại, nhất là sau khi Quyết định 60/2017/QĐ-UBND (Quyết định 60) quy định về diện tích đất tối thiểu tách thửa có hiệu lực từ ngày 1/1.

Lợi dụng kẽ hở của Quyết định 60, bùng nổ phân lô bán nền ở vùng ven TP.HCM - Ảnh 1.
Tình trạng phân lô bán nền tràn lan đang bùng phát tại các khu vực vùng ven TP.HCM. 

Được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng phân lô bán nền tràn lan, vốn là vấn đề nhức nhối từ trước đến nay ở khu vực vùng ven TP.HCM, thế nhưng Quyết định 60 được cho là vẫn còn “lổ hổng” vì bỏ quy định khu đất có diện tích trên 2.000m2 phải lập dự án có quy hoạch chi tiết 1/500.

Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Infonet ngày 19/1, tình trạng phân lô tách thửa ở khu vực vùng ven TP.HCM đang diễn ra rầm rộ, nhất là địa bàn quận 9. Trên các tuyến đường như Lò Lu (phường Trường Thạnh), Bưng Ông Thoàn, Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu)… nhan nhản bảng bán đất, giá 500 – 700 triệu đồng/lô. Nhiều “cò” đất cũng kéo về đây đua nhau chào mời khách.

Ông Nam, một “cò” đất thâm niên cho biết, hầu hết các lô đất mặt tiền những tuyến đường trên đều có chủ. Nếu muốn mua thì phải chấp nhận đi vào các nhánh đường nhỏ, hẻm sâu. Tuy vậy, đa số lô đất được “cò” đất rao bán là những khu đất cỏ dại mọc um tùm, nếu có đấu nối hạ tầng cũng rất sơ sài. Hạ tầng chỉ là đường rải đá dăm, bụi bay mịt mù.

Trước thắc mắc về tính pháp lý các lô đất khu vực này, ông Nam lý giải, trước đây quy định khu đất trên 2.000m2 phải lập dự án quy hoạch 1/500, không được tách thửa. Đối với đất ở tại quận 9, thửa đất mới hình thành và còn lại sau tách thửa phải là 80m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5 mét.

Còn hiện nay, quy định trên không còn nên các đầu nậu có đất diện tích lớn vô tư tách thửa, miễn đảm bảo diện tích tối thiểu của thửa đất ở hình thành tối thiểu 50m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất còn lại không nhỏ hơn 4 mét. Nhiều trường hợp chủ đất xin đấu nối hạ tầng cho có rồi phân lô bán nền, các lô đất sau khi tách thửa sẽ được cấp sổ đỏ phù hợp theo quy định.

Không siết sẽ hỗn loạn?

Trước thông tin địa bàn quận 9 nổi lên với tình trạng phân lô bán nền tràn lan, các chủ đất lợi dụng kẻ hở của Quyết định 60 trục lợi, UBND TP.HCM mới đây đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra.

Đồng thời, UBND Thành phố đề nghị chính quyền quận 9 khẩn trương kiểm tra thực trạng, báo cáo Sở TN&MT tổng hợp, phản hồi về các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi.

Chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đất nền đánh giá, Quyết định 60 đã có những quy định có phần thông thoáng hơn so với Quyết định 33 trước đây. Tuy nhiên lổ hổng vẫn còn đó và nhiều chủ đất lợi dụng chính sách thông qua này để trục lợi.

“Một số quận huyện có thể dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở rồi tách thửa phân lô. Do người dân ham lợi nhuận nên dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, băm nát đô thị, hình thành nên các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ”, chủ doanh nghiệp này nói.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), dù Quyết định 60 đã có hiệu lực gần 1 tháng nay nhưng các sở ban ngành vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Ông Châu cho rằng, nếu triển khai không kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn thị trường đất nền vùng ven, phân khúc vốn phức tạp từ trước đến nay.

Để quản lý chặt chẽ hoạt động tách thửa, Chủ tịch HoREA kiến nghị TP.HCM nên chỉ đạo các sở ban ngành ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 60. Ban hành các quy chế, biểu mẫu hướng dẫn và xây dựng tiêu chí để quản lý. Kiểm soát các trường hợp tách thửa đất diện tích lớn có hình thành đường giao thông nội bộ, xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở…

Ông Châu đề nghị Thành phố nên giao trách nhiệm cho UBND các quận huyện phối hợp cùng lực lượng Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng, cán bộ địa chính cơ sở để quản lý hoạt động tách thửa, phân lô trên địa bàn.

Theo Phương Anh LInh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên