Lợi dụng lỗ hổng trên AirDrop, nhiều người "dùng chùa" ứng dụng trên iPhone
Mặc dù các sản phẩm chủ lực như iPhone, iPad được bảo vệ bằng dây cáp điện tử và khóa địa lý, nhưng phần mềm lại là câu chuyện khác.
- 10-01-2024Trung Quốc tuyên bố hack thành công AirDrop của Apple, truy ngược danh tính của người gửi
- 28-12-2023Giải pháp khắc phục tình trạng AirDrop trên iPhone không hoạt động
- 09-09-2023Làm gì khi AirDrop không hoạt động trên các thiết bị Apple?
Gần đây, Apple đang đối mặt với một hình thức vi phạm bản quyền phần mềm đầy tinh vi, khi những người dùng công nghệ đã lợi dụng chính tính năng AirDrop để 'dùng chùa' các ứng dụng từ các thiết bị demo ngay tại Apple Store.
Trong nỗ lực tạo nên không gian mua sắm sang trọng, Apple dường như đã vô tình tạo điều kiện cho "nạn trộm cắp". Việc thiếu vắng các biện pháp bảo mật thông thường như cổng từ an ninh hay tem bảo vệ sản phẩm khiến Apple Store trở thành "miếng mồi ngon" cho những kẻ có ý đồ xấu. Mặc dù các sản phẩm chủ lực như iPhone, iPad được bảo vệ bằng dây cáp điện tử và khóa địa lý, nhưng phần mềm lại là câu chuyện khác.
Bằng cách lợi dụng AirDrop - một trong những tính năng được yêu thích nhất trên iPhone, khách hàng có thể dễ dàng chuyển các phần mềm độc quyền, vốn có giá trị không nhỏ, từ thiết bị demo tại cửa hàng về máy tính cá nhân. Điều đáng ngạc nhiên là hoạt động này đã diễn ra trong một thời gian dài mà không bị phát hiện, hoặc có thể Apple đã biết nhưng "làm ngơ"?
Trên các diễn đàn như X và Reddit, nhiều người dùng đã công khai chia sẻ về việc đã "đánh cắp" thành công phần mềm từ Apple Store. Thậm chí, một số người còn cho biết họ còn quay lại cửa hàng để "cập nhật" phiên bản mới nhất sau khi phần mềm "chôm chỉa" gặp lỗi.
Một người dùng chia sẻ trên X: "Tôi đã biết cách tải phiên bản chính thức của các ứng dụng trả phí cho máy Mac mà không phải trả hàng trăm USD. Tôi đến Apple Store với máy Mac của mình và chuyển các tệp ứng dụng từ máy trưng bày qua AirDrop".
Mặc dù có nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc này, tuy nhiên, một số nhà phát triển đã xác nhận thủ thuật này hoàn toàn có thật. Theo đó, các ứng dụng của Apple sẽ được lưu trong vùng nhớ có tên .app. Tất cả các tệp, thư viện có liên quan đều được lưu trữ trong vùng dữ liệu này. Chỉ cần chuyển tệp .app đó từ máy này sang máy khác là đã có thể "cài đặt" ứng dụng đó trên máy tính mới.
Thực tế, phương pháp này đã được biết đến từ đầu năm 2017 nhưng đến nay Apple vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Sự im lặng khó hiểu của Apple trước tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm bằng AirDrop khiến nhiều người đặt câu hỏi về động cơ thực sự của "gã khổng lồ" công nghệ. Liệu Apple không hề hay biết về lỗ hổng bảo mật này, hay họ đang đặt trải nghiệm khách hàng lên trên việc bảo vệ tài sản trí tuệ?
Việc vô hiệu hóa AirDrop trên các thiết bị demo có vẻ là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, điều này lại đi ngược với triết lý bán lẻ của Apple, vốn luôn hướng đến việc mang đến cho khách hàng trải nghiệm tự nhiên và thoải mái nhất.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên ủng hộ chiêu trò đánh cắp phần mềm bản quyền này và hy vọng Apple sẽ sớm tìm cách ngăn chặn.
Theo imore
Đời sống & pháp luật