MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi dụng sở hở để móc ngoặc tạo “sân sau”, thâu tóm đất công

04-09-2018 - 14:22 PM | Xã hội

Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”.

Sáng nay (4/9), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp (báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo của Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao).

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp nên tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy vậy, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Lợi dụng sở hở để móc ngoặc tạo “sân sau”, thâu tóm đất công - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công.

Thượng tướng Vương cũng thông tin, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.247 vụ, 1.818 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 68,06% vụ và 42,03% bị can so với cùng kỳ năm 2017); 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ, 8,38% bị can).

Các cơ quan chức năng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân ủng hộ. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh , Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc)…

Trình bày báo cáo của VKSND Tối cao, Phó viện trưởng VKSND Tối cao Bùi Mạnh Cường cũng cho biết, một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố, tiếp tục tăng như tội phạm về tham nhũng, chức vụ (22,8%), tội phạm về ma túy (11,2%), tội phạm về trật tự xã hội (0,8%).

Cơ quan chức năng cũng khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, trong đó, có sự cấu kết giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt, có vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao.

Còn theo Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du, tình hình tội phạm tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, xuất hiện một số phương thức phạm tội mới, nhất là lợi dụng công nghệ cao.Đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.

Theo N.T

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên