Lời giải cho những đứa trẻ Thủ đô thiếu không gian nhìn từ công viên vào cửa miễn phí, đẹp nhất Hà Nội
Xã hội hoá với lợi ích mang lại cho 3 bên: Nhà nước - người dân - nhà đầu tư đang được xem là cứu cánh cho nhiều dự án cộng đồng, trong đó có sân chơi trẻ em.
- 05-07-2017Việt Nam sắp có công viên thiên văn học ngoài trời đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á
- 22-06-2017TPHCM sắp có công viên nhạc nước triệu đô
- 10-06-2017Hà Nội sẽ có khu công viên sinh thái Vĩnh Hưng rộng 15ha
- 20-03-2015100% các trạm đăng kiểm sẽ được xã hội hoá
Những đứa trẻ thiếu không gian
Anh Nguyễn Trung Hiếu (27 tuổi, quận Thanh Xuân) cho biết vừa rồi anh phải xin nghỉ phép 1 ngày để đưa con về quê.
“Trẻ con bây giờ tội quá, không có không gian chơi như tụi mình ngày bé. Gửi nó về quê để nó còn biết cây cỏ như thế nào. Ở nhà, bố mẹ bận, xung quanh không có chỗ chơi, toàn chỗ xây dựng, lại với iPad, tivi…”, anh cho biết. 2 năm nay, mùa hè của Vũ (8 tuổi) con trai anh Hiếu đều diễn ra ở quê nội (Thái Bình).
Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết hiện toàn thành phố có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng. Trong đó, khu vực nội đô có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi – chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, tập thể cũ. Với mật độ dân số đông, mật độ xây dựng cao, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa.
Theo thống kê, diện tích các công viên, vườn hoa, trung bình chỉ chiếu 1,92% tổng diện tích đất, tương đương 2,08m2/người. Trong khi đó, theo Đề án phát triển thành phố, đến năm 2030, chỉ tiêu này phải đạt 2,43m2/người. Cá biệt, có nhưng khu vực, như quận Thanh Xuân, con số này là 0%.
Các quận nội thành rất hiếm các điểm vui chơi, công cộng có diện tích rộng, thay vào đó, là những điểm nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Đấy là phần đất sân tập thể chưa được sử dụng được “tranh thủ”.
Thiếu quỹ đất là một chuyện, nhiều điểm vui chơi hiện tại của thành phố Hà Nội cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Quận Hai Bà Trưng có 9 khu vui chơi, giải trí công cộng, bao gồm: công viên, vườn hoa, khu cây xanh, sân chơi, trong đó có 2 công viên lớn là công viên Thống Nhất và Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.
Công viên Thống nhất với ưu điểm là rộng rãi, nằm ở vị trí thuận lợi, tiếp giáp giữa 4 con phố Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông và Nguyễn Đình Chiểu, nhiều cây xanh là không gian thư giãn cho người dân. Tuy nhiên, công viên còn ít ghế đá, các trang thiết bị phụ vụ cho luyện tập thể dục thể thao còn rất thiếu.
Hay như Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, rộng 26,43 ha thuộc phường Thanh Nhàn, từng được kỳ vọng là không gian xanh của thành phố nay bị bỏ hoang, các thiết bị hoen gỉ...
Trong khi thành phố đang thiếu nguồn lực đầu tư cho các khu vui chơi, giải trí công cộng, một hướng đi mới đang được nhiều quận thực hiện tốt, đó là huy động từ nguồn lực xã hội hoá.
Xã hội hoá - lời giải cho bài toán khó
Chị Nguyễn Hà Liên (28 tuổi) hàng tuần đều đưa 2 con, một 5 tuổi, một 3 tuổi đến Công viên Cầu Giấy chơi.
“Tôi thích công viên này vì nó có một sân cỏ dành cho cả người lớn và trẻ em. Cứ như một cái chiếu khổng lồ, tha hồ cho bọn trẻ con lăn lê, bò toài. Mọi người tới đây cũng đồng trang lứa vì toàn bộ là gia đình có con nhỏ”, chị Liên cho biết.
Một bạn trẻ khác, Hằng Nguyệt (22 tuổi) nói thêm: “Nhà mình ở gần công viên nên thường xuyên ra tập thể dục. So với công viên Nghĩa Đô, công viên này sạch đẹp hơn nhiều, lại thường xuyên có công nhân dọn dẹp gắt tỉa, chăm sóc cây cỏ”
Công viên Cầu Giấy thuộc địa bàn quận Cầu Giấy là một trong những công viên đầu tiên được xây dựng theo chủ trương xã hội hoá. Từ năm 2012, khi thực hiện chủ trương này, công viên đã nhận được đóng góp gần 3 tỷ đồng từ 22 doanh nghiệp. Đến năm 2013, quận Cầu Giấy tiếp tục nhận được sự ủng hộ là hơn 8 tỷ đồng đầu tư từ 13 doanh nghiệp và 30 cá nhân trên địa bàn.
Không chỉ lo về tiền, các doanh nghiệp còn thực hiện cả việc xây dựng, ví dụ như việc những doanh nghiệp này đã đem hơn 10 nghìn mét khối đất về đổ tại đây nhằm tạo ra những khu đất bằng phẳng như hiện tại.
Bên trong công viên, các đơn vị tài trợ cũng đầu tư nhiều nhóm đồ chơi, có xuất xứ từ Nhật Bản phục vụ cho việc vui chơi của trẻ em.
Ngoài sân cỏ với nhiều thiết bị đồ chơi, phần quảng trường lớn, được lát gạch bóng loáng cũng là nơi thu hút sự quan tâm lớn của giới trẻ.
Vào buổi tối, nơi đây tập trung rất đông các bạn tuổi teen tham gia học nhảy, trượt patin. Mỗi đôi giày trượt được thuê với giá 30.000 đồng mà theo lời người cho thuê thì “chơi đến khi nào chán thì thôi”. Tiền vào cửa công viên Cầu Giấy là 0 đồng. Hiện công viên đón tiếp không chỉ người trong quận mà còn nhiều khu vực khác đến.
Ngoài công viên Cầu Giấy, người dân quận này còn có một địa điểm vui chơi lớn khác: công viên Nghĩa Đô. Theo thống kê, công viên này đón trên 2.000 lượt trẻ em hàng ngày, riêng cuối tuần là hơn 5.000 lượt trẻ đến vui chơi.
Trả lời báo chí, đại diện UBND quận cho biết, có được thành công này là nhờ phương pháp xã hội hoá, kêu gọi nguồn lực của tư nhân tham gia đầu tư. Ngoài hai công viên trên, quận cũng đang triển khai xây dựng khu vui chơi, giải trí với các trang thiết bị hiện đại ở 3 công viên khác. 8 phường trên địa bàn quận Cầu Giấy đều có nhà văn hóa, sân bóng rổ, cầu lông, khu vui chơi… hầu hết được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Trên thực tế, hình thức đầu tư này đã được thực hiện ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Ví dụ ở Hải Phòng có với khu giải trí New Space bên hồ An Biên gồm khu thể thao cho người lớn, khu vui chơi cho trẻ em với phòng chiếu phim 3D hiện đại. Nơi đây cũng trở thành nơi dừng chân nghỉ mát ngắm cảnh cho khách du lịch và người đi dạo quanh hồ.
Hay Đà Nẵng có gia đình ông Võ Thành Trung (quận Hải Châu) đang là chủ sở hữu 5 điểm vui chơi đối với cả trẻ em và người lớn. Chính quyền TP Ðà Nẵng cũng có chính sách khuyến khích người dân đầu tư xây dựng khu vui chơi bằng việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, hỗ trợ về chi phí thuê mặt bằng...
Việc xã hội hoá điểm vui chơi giải trí đã đem lại nhiều hiệu quả khả quan cho 3 bên: Nhà nước không phải đầu tư ngân sách – người dân được hưởng lợi – doanh nghiệp có nguồn thu từ vận hành (hoặc được quảng cáo cho doanh nghiệp, ví dụ như chữ Vietcombank được tạo trên nền cỏ nhân tạo tại công viên Cầu Giấy với kích cỡ 3m x 30m).
Ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội nhận xét từ khi thành phố ban hành nghị quyết về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động sự đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào công trình xây dựng công viên, vườn hoa, khu vui chơi… nhiều địa phương đã có bước chuyển biến mạnh mẽ có các công trình công cộng.
“Đây là một nguồn lực mạnh, nếu huy động tốt sẽ vừa làm đẹp hơn bộ mặt đô thị của Thủ đô, vừa làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân”, ông Tiến khẳng định.
Hồi tháng 2/2017, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 1221 phê duyệt các dự án công viên, khu vui chơi... chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư và giao cho các quận, huyện, thị xã thực hiện. Với những thành công bước đầu của công viên Cầu Giấy hay Nghĩa Đô, đây có thể được xem là mô hình kiểu mẫu để các quận, huyện trong thành phố học theo.