MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời hứa hồi sinh ngành than nước Mỹ của Tổng thống Trump là nguyên nhân khiến Chủ tịch World Bank từ nhiệm trước 3 năm?

Dưới thời ông Jim Yong Kim, World Bank (Ngân hàng Thế giới) chủ trương ngừng hỗ trợ phát triển ngành than, tập trung vào các dự án năng lượng xanh vì môi trường. Điều này đối đầu với lời hứa hồi sinh ngành than Mỹ của ông Donald Trump.

Ông Jim Yong Kim được cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đề cử cho nhiệm kỳ thứ nhất và thứ hai. Tại lần bổ nhiệm đầu tiên hồi năm 2012, các quốc gia thành viên đã gây áp lực rất lớn về việc liệu một ứng cử viên từ một quốc gia mới nổi như Hàn Quốc có nên được chọn hay không.

Ông luôn tránh việc phải đối đầu trực tiếp với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, biểu hiện qua việc tháng Tư năm nay, ông Kim đã nhượng bộ chính quyền Trump đối với các khoản trợ cấp cho Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới đã đồng ý sửa đổi cơ cấu cho vay để đảm bảo 13 tỷ USD tăng vốn. Nhưng quan điểm chính trị của Chủ tịch World Bank về biến đổi khí hậu đôi khi trái ngược với cách tiếp cận của tổng thống Hoa Kỳ.

Lời hứa hồi sinh ngành than nước Mỹ của Tổng thống Trump là nguyên nhân khiến Chủ tịch World Bank từ nhiệm trước 3 năm? - Ảnh 1.

Tháng 3/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký "Sắc lệnh Độc lập năng lượng", yêu cầu xem xét lại Kế hoạch Năng lượng Sạch (Clean Power Plan) được đưa ra dưới thời ông Barack Obama, trong đó quy định chặt chẽ giới hạn khí thải CO2 đối với các nhà máy nhiệt điện than.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm phát biểu: "Chính quyền của tôi sẽ chấm dứt cuộc chiến chống than đá". 

Trước đây, ông Trump đã tỏ ra ngờ vực về diễn biến thực của biến đổi khí hậu toàn cầu. Và quả thực, than đá vẫn là một nhân tố quan trọng của năng lượng Mỹ. Khắp lãnh thổ nước này rải rác hàng trăm nhà máy than, cung cấp 1/3 lượng điện quốc gia, gần như tương đương với khí thiên nhiên và lấn át cả năng lượng hạt nhân, thủy điện.

Trái lại, Chủ tịch của World Bank đã nỗ lực đẩy mạnh tài chính cho các dự án năng lượng xanh và giảm hỗ trợ cho phần lớn các khoản đầu tư điện than. Ông nhận định: "Kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than sẽ là một thảm họa và áp đảo thỏa thuận tại Paris về chống biến đổi khí hậu."

Do vậy, yêu cầu các quốc gia thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời là một trong những trọng tâm hoạt động chính của Ngân hàng thế giới dưới nhiệm kỳ của ông.

Trong khi đó, ông Trump vẫn đang thực hiện lời hứa sẽ tạo nửa triệu việc làm cho các công nhân ngành than và thép của Mỹ. Xem xét thái độ của Hoa Kỳ về các mục tiêu của Ngân hàng thế giới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và giảm nghèo toàn cầu, ông Kim cho rằng làm việc với một tổ chức tư nhân sẽ cho phép ông thực hiện những thay đổi nhanh hơn và tích cực hơn so với một tổ chức đa phương như World Bank, theo tờ South China Morning Post. 

Sau 6 năm hoạt động với vị trí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, hôm qua (7/1) ông Jim Yong Kim bất ngờ thông báo vào ngày 1/2/2019, ông sẽ từ chức. Theo đúng nhiệm kỳ, lẽ ra ông sẽ rời World Bank vào năm 2022.

Tuy nhiên, những người thân cận với ông Kim phản biện, việc rời World Bank sớm 3 năm trước khi nhiệm kỳ kết thúc là quyết định của riêng ông Kim, không phải do chịu áp lực bởi Nhà Trắng. Ông dự định sau khi từ chức sẽ gia nhập một công ty tư nhân, để tập trung vào phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Paul Cadario, người đã dành gần như cả sự nghiệp của mình tại Ngân hàng Thế giới, cũng khẳng định rằng tổ chức này không nằm trong tầm kiểm soát của Trump.

Lời hứa hồi sinh ngành than nước Mỹ của Tổng thống Trump là nguyên nhân khiến Chủ tịch World Bank từ nhiệm trước 3 năm? - Ảnh 2.

Ông Kim thậm chí còn khá thân thiết với con gái tổng thống, Ivanka Trump. Vào năm 2017, World Bank đã triển khai một quỹ để tài trợ cho các doanh nhân nữ, một ý tưởng song hành với những bước đi của cố vấn Nhà Trắng. Ngân hàng Thế giới dự định đầu tư hơn 1 tỷ USD để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nhân nữ giới.

Nằm trong danh sách Những người quyền lực nhất thế giới năm 2018 của Forbes, ông Kim đã điều tiết việc phân phối hàng tỷ đô la tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Năm 2018, tổ chức đa phương này đã thực hiện các cam kết tài chính trị giá 67 tỷ USD. 

Ngân hàng Thế giới cho biết, ông Kim luôn quan niệm rằng đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những nhu cầu lớn nhất ở các nước đang phát triển. Ông thúc đẩy Ngân hàng thế giới hợp tác với các đối tác khu vực tư nhân về việc đầu tư cơ sở hạ tầng thông minh với mục tiêu phát triển bền vững, thân thiệt với môi trường và giảm biến đổi khí hậu.

"Những hành động kịp thời của Ngân hàng Thế giới đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh người nghèo trên toàn thế giới ngày càng đói khát, các vấn đề như biến đổi khí hậu, đại dịch, nạn đói và người tị nạn tiếp tục gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ nghiêm trọng." Ông Kim tuyên bố: "Vị trí chủ tịch và vai trò định hướng tổ chức giữa tất cả những thách thức này là một đặc quyền tuyệt vời với tôi. Thật vinh dự khi được làm Chủ tịch của những cá nhân có niềm đam mê cống hiến cho sứ mệnh chấm dứt cảnh nghèo đói cùng cực trên thế giới."

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên