MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời hứa tại tòa của bị cáo Trương Mỹ Lan

01-10-2024 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Bị cáo Trương Mỹ Lan hứa dùng hàng loạt tài sản "khủng" đang bị kê biên, phong tỏa để khắc phục hậu quả vụ án.

Ngày 30-9, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát. Hiện phiên tòa đã bước vào ngày xét xử thứ 8. Trong suốt những ngày qua, nhiều vấn đề quan trọng đã được đưa ra thẩm tra và làm rõ, bao gồm các hành vi sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu, rửa tiền, vận chuyển tiền trái phép qua biên giới và hướng khắc phục hậu quả vụ án của các bị cáo.

Liệt kê những món nợ lớn

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã phủ nhận các cáo buộc liên quan đến việc chỉ đạo phát hành trái phiếu khống mà các đồng phạm đã khai. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận toàn bộ trách nhiệm về việc chuyển tiền trái phép 4,5 tỉ USD ra nước ngoài.

Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi về suy nghĩ của bị cáo đối với thiệt hại đã xảy ra, trong đó có thiệt hại của hơn 35.000 người đầu tư trái phiếu, bị cáo Lan hứa sẽ dùng tài sản của mình để ưu tiên trả cho trái chủ trước khi giải quyết hậu quả giai đoạn 1 của vụ án.

Đáng chú ý, tại phiên xử này, bị cáo Lan còn bất ngờ liệt kê nhiều khoản nợ "khủng" trong quá khứ mà bị cáo chưa lấy lại. Cụ thể, liên quan đến 2 dự án ở khu đô thị phát triển An Phú (TP Thủ Đức) do Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư, bị cáo Lan khai đã cho ông N.V.L (Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Thủ Thiêm) vay 1.000 tỉ đồng. Bị cáo Lan khẳng định đây là tiền riêng của bà, không liên quan đến SCB và khoản vay này không phải là khoản đầu tư trực tiếp cho dự án. Hiện ông L. vẫn chưa hoàn trả khoản tiền này.

Bị cáo Lan liệt kê tiếp Công ty CP Lavifood còn nợ bà 500 tỉ đồng. Vào 29 Tết năm đó, ông L.T (Chủ tịch Lavifood) đã cầu cứu bà giúp ông P.N.Q.T (Tổng Giám đốc Lavifood) vì nợ 500 tỉ đồng ở Campuchia. Bị cáo Lan nói đã huy động tiền để cứu giúp. Đến nay, bị cáo mong muốn tòa giải tỏa tài sản của Lavifood để thu hồi nợ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xửẢnh: HOÀNG TRIỀU

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xửẢnh: HOÀNG TRIỀU

Đề nghị thu hồi khoảng 17.000 tỉ đồng từ các ngân hàng

Bị cáo Lan cũng "hứa" sẽ dùng hàng loạt tài sản "khủng" đang bị kê biên, phong tỏa là số cổ phần, phần vốn góp tại 9 công ty để khắc phục hậu quả vụ án. Theo hồ sơ vụ án, cơ quan chức năng đang kê biên 100% cổ phần tại Công ty CP Twin Peaks; kê biên 18% phần vốn góp tại Công ty Liên doanh Vietcombank - Bonday - Bến Thành; kê biên 73,04% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Hợp Thành 1; kê biên 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam; kê biên 77,89% cổ phần Công ty CP Dược phẩm Đông Dược 5; kê biên 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; kê biên 13,23% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sao Thủy; kê biên 100% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát; kê biên 1,4 triệu cổ phần Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) của Trương Mỹ Lan.

Liên quan 18% cổ phần tại Công ty Setra, đại diện Vietcombank bày tỏ mong muốn mua 18% cổ phần của Công ty Setra tại Công ty Liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành. Theo đó, Vietcombank và Công ty Setra đã ký thỏa thuận chuyển nhượng, nhưng do tài sản này đang bị kê biên trong quá trình điều tra nên Vietcombank đề nghị HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên để hoàn tất việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, bị cáo Lan không muốn bán cổ phần cho Vietcombank và đề xuất tổ chức đấu giá công khai và dùng số tiền này khắc phục hậu quả vụ án.

Bị cáo Lan cũng bày tỏ mong muốn được HĐXX giải tỏa kê biên đối với 82% (giá trị khoảng 492 tỉ đồng) vốn góp của bị cáo tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam để bị cáo rao bán và sử dụng số tiền này khắc phục cho các trái chủ.

Tại các phiên xử trước đó, bị cáo Lan cũng bày tỏ tha thiết được khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án. Theo đó, bị cáo đề nghị HĐXX thu hồi khoảng 17.000 tỉ đồng từ các ngân hàng đã nhận tiền từ việc phát hành trái phiếu. Bị cáo khẳng định sẽ đứng ra giải quyết các vấn đề về quan hệ dân sự giữa các ngân hàng này và SCB. Bị cáo Lan đề xuất sử dụng tài sản liên quan đến giai đoạn 1 (khoảng 21.000 tỉ đồng) mà tòa án đã buộc các cá nhân, tổ chức nộp lại để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Lan nói trong trường hợp số tài sản hiện có không đủ thì sẽ xin HĐXX yêu cầu SCB trả lại cho bị cáo dự án 6A - Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP HCM) của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hiện SCB đang giữ giấy tờ cùng 65 tài sản khác nhưng không bảo đảm cho khoản vay nào cả. Bị cáo cũng đề xuất sử dụng các tài sản không bị kê biên để bồi thường cho các bị hại như tòa nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội), dự án Amigo (nằm tại khu tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế, quận 1, TP HCM).

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị sử dụng các tài khoản đang bị phong tỏa và ngăn chặn do bà và chồng - bị cáo Chu Lập Cơ - đứng tên để khắc phục hậu quả. Đồng thời, bà cũng yêu cầu giải tỏa các tài khoản của người thân trong gia đình như con gái, anh chị em và các bị cáo khác, để họ không phải chịu liên đới trách nhiệm về tài sản.

Trong khi đó, hầu hết các bị cáo còn lại đều xin nhận lại tài sản bị thu giữ cũng như giải tỏa ngăn chặn các tài khoản, bất động sản gồm nhà, đất vì đây là tài sản cá nhân, không liên quan vụ án. 

Theo HĐXX, những ngày qua, các bị cáo xác nhận đã tác động gia đình và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng như một số pháp nhân khác nộp khắc phục hậu quả cho vụ án tính đến nay tổng số tiền hơn 474 tỉ đồng.


Theo Trần Thái

Người Lao động

Trở lên trên