MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi ích ngầm phía sau "cái bắt tay" cho trường AISVN vay tiền tỷ của phụ huynh: Đầu tư BĐS, vàng, trái phiếu... thu lãi cũng không nhanh bằng, khiến hội nhà giàu sẵn sàng ‘xuống tiền’

26-03-2024 - 18:43 PM | Doanh nghiệp

Học phí 12 năm học tại trường Quốc tế Mỹ Việt Nam vào khoảng 6,95 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được phụ huynh cho nhà trường vay, đổi lại học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng.

Thời gian gần đây, những bê bối xoay quanh vụ việc trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (gọi tắt là AISVN, có trụ sở ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) nợ phụ huynh 3.200 tỷ đồng và cho học sinh tạm nghỉ học vì giáo viên đình công đang gây "sốt" trong dư luận. Đáng chú ý là việc học sinh phải tự học ở căn tin vì không có giáo viên.

Trước đó, khi con bắt đầu vào trường học, rất nhiều phụ huynh đã chi hàng tỷ đồng cho nhà trường để "đầu tư vào giáo dục", đổi lại việc học sinh học tại trường trong khoảng thời gian dài mà không mất học phí. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc không học nữa thì Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam sẽ hoàn trả số tiền trên trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, gần đây, khi đến hạn trả lại số tiền này cho phụ huynh, nhà trường vẫn không hoàn trả vì lý do đang gặp khó khăn tài chính khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Phương thức huy động vốn của trường Quốc tế Mỹ Việt Nam

AISVN là 1 trong những trường phổ thông có mức học phí đắt đỏ nhất Thành phố Hồ Chí Minh với mức học phí của trường từ mầm non đến lớp 12 là từ 280 triệu - 725 triệu/năm. Mức học phí trên chưa tính hàng loạt các khoản phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ, các chương trình hoạt động trải nghiệm học tập thực tế, các bài thi của tổ chức bên ngoài...

Lợi ích ngầm phía sau

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam

Phí hồ sơ đầu vào mỗi học sinh từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu tùy cấp học. Phí ghi danh của trường theo từng khối lớp, dao động từ 25 đến 45 triệu đồng. Phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung từ 40 đến 50 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, thay vì đóng học phí như bình thường thì phụ huynh và nhà trường sẽ ký kết một bản Hợp đồng Đầu tư Giáo dục hay nói cách khác là hợp đồng vay vốn.

Cụ thể, phụ huynh cho nhà trường vay từ vài tỷ đến chục tỷ (số tiền theo cấp học của con), không tính lãi suất trong suốt thời gian nhà trường đào tạo học sinh. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khoẻ… trường Quốc tế Mỹ sẽ hoàn trả số tiền đã vay.

Nếu chậm trả, AISVN sẽ phải trả thêm khoản lãi theo lãi suất huy động của Hội sở Vietcombank. Thời gian chậm trả tối đa 90 ngày.

Nhưng đến nay khi đã đến hạn trả tiền, trường vẫn không hoàn trả khiến nhiều phụ huynh tập trung tại cổng đòi nợ. Số khác làm đơn kiện lên tòa án yêu cầu trả tiền và lãi suất.

Trả lời với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường cho biết, khoản nợ này thực chất là số tiền đầu tư giáo dục mà nhà trường ký kết với phụ huynh và sẽ được hoàn trả lại sau 5 đến 15 năm học sinh theo học tại trường.

"Việc này chúng tôi đã thực hiện rất tốt trước đây là cung cấp chương trình đào tạo chính khóa miễn phí cho học sinh và hoàn trả số tiền đầu tư giáo dục đúng hạn", bà Em thông tin.

Tuy nhiên, theo bà Em, thời gian sau này trường gặp nhiều khó khăn nên có chậm trễ trong việc hoàn trả cũng như chưa có kênh thông tin trao đổi kịp thời đến phụ huynh.

Lợi ích ngầm phía sau

Học phí từ mẫu giáo đến lớp 12 tại trường Quốc tế Mỹ Việt Nam

Vì sao phụ huynh sẵn sàng cho nhà trường vay cả chục tỷ?

Theo các chuyên gia, giao dịch trên là hình thức giúp nhiều trường tư thục huy động vốn. Thay vì tiếp cận nguồn tiền từ các nhà băng, hội đồng quản trị chọn vay từ phụ huynh học sinh. Họ không trả lãi suất tiền mặt mà bằng học phí ở chính ngôi trường đang điều hành.

Theo thông tin công bố trên trang chủ AISVN, học phí 12 năm khoảng 6,95 tỷ đồng. Đây được xem là khoản lãi khi phụ huynh cho vay. Giả sử một phụ huynh cho vay tối đa 5 tỷ, hiệu suất của khoản đầu tư trên là 139% cho 12 năm, trung bình 11,58% mỗi năm.

Như vậy, thương vụ này có tính hiệu quả cao hơn cả đầu tư USD, vàng, bất động sản và trái phiếu trong giai đoạn 2011-2021, dựa trên số liệu thống kê của Dragon Capital. Mức lãi 11,58% khi cho AISVN vay vốn chỉ xếp sau đầu tư cổ phiếu (15,8%). Chưa kể, nếu hội đồng quản trị sử dụng hiệu quả nguồn vốn vào việc xây dựng, nâng cấp và phát triển trường học, phụ huynh cũng hưởng lợi khi con họ được tiếp cận môi trường giáo dục ngày càng chất lượng.

Do không có tài sản thế chấp, đây là khoản vay theo hình thức tín chấp, tức dựa trên uy tín của người đi vay. Các ngân hàng thường xác minh thu nhập và lịch sử tín dụng trước khi cho vay tín chấp nhưng với phụ huynh, họ không làm được như vậy. Theo một số phụ huynh, họ thường dựa vào việc nhìn thấy cơ sở vật chất khang trang hơn các trường thông thường, đội ngũ giáo viên và quản lý có nhiều người nước ngoài hay tin vào chữ tín ở môi trường giáo dục.

Lợi ích ngầm phía sau

Phụ huynh tập trung tại cổng trường để đòi hoàn trả lại số tiền đã cho vay

Được biết, không chỉ AISVN, nhiều trường tư thục cũng triển khai hoạt động này với tên gọi "gói đầu tư giáo dục" như hệ thống trường Dewey, trường quốc tế Nam Mỹ (UTS), hệ thống trường ICS, trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA)...

Trao đổi với VnExpress, ThS Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập chuyên nghiên cứu về các trường quốc tế, hình thức vay vốn phụ huynh để thành lập và phát triển trường đã có từ gần 15 năm trước và trong vài năm gần đây trở nên phổ biến. Theo thống kê của ông, hiện có khoảng gần 20 trường quốc tế và song ngữ ở TP HCM và Hà Nội có gói "đầu tư giáo dục" thông qua hình thức trả học phí trước nhiều năm.

Hình thức đầu tư giáo dục thông qua học phí về bản chất ẩn chứa mối quan hệ tín dụng, trong đó nhà trường "cắt cầu" ngân hàng bằng cách làm việc với phụ huynh. Do lịch sử trường tư của Việt Nam còn non trẻ, nhất là trường quốc tế, các trường quốc tế do công ty trong nước điều hành vẫn còn rất nghiệp dư. Nếu hội đồng quản trị mang tiền đi đầu tư phi giáo dục với hy vọng nhanh chóng kiếm lời, rủi ro mất tiền và phá sản là rất cao khi trường học không phải quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Theo quan sát của ông, top 3 trường quốc tế tốt nhất tại TP HCM không có hình thức huy động vốn này.

"Vì cho vay vốn tín chấp, không có thế chấp nên phụ huynh nắm phần rủi ro cao", chuyên gia này nói.

Tổng hợp

Theo Nguyễn Phượng

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên