Lời kể của bác sĩ trực tiếp đối đầu với virus corona mới
kip gồm 30 người bao gồm bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) ròng rã suốt cả kỳ nghỉ tết Nguyên đán đã điều trị thành công cho 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona mới (nCoV) tại Việt Nam, trong đó 1 người khỏi bệnh hoàn toàn, đã xuất viện.
- 04-02-2020Thứ trưởng Bộ Y tế: Người thứ 10 nhiễm virus corona đến nhà công nhân ở Vĩnh Phúc ăn cơm, hát karaoke
- 04-02-2020Khánh Hòa: Niềm vui vỡ òa của nữ lễ tân nhiễm virus corona được xuất viện
- 04-02-2020Ca bệnh thứ 10 dương tính với virus corona ở Việt Nam
- 04-02-2020Nam bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm virus corona ở TP HCM được xuất viện
Không dám ôm, hôn con dù rất nhớ
Theo lời kể của điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm, điều dưỡng khoa Bệnh Nhiệt đới, 1 trong số những điều dưỡng trực tiếp điều trị cho hai cha con Li Ding và Li Zichao (2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm nCoV được phát hiện ở Việt Nam), dù đã được bảo hộ cẩn thận, tiệt trùng sau khi ra khỏi khu vực cách ly nhưng từ lúc tiếp nhận bệnh nhân đến hiện tại, anh chưa một lần dám ôm hôn con vì để chắc chắn đảm bảo an toàn cho gia đình.
“Ngày biết được dịch bệnh đang lây lan kinh khủng tại Vũ Hán (Trung Quốc) và các nước lân cận đều phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, cả gia đình tôi ai cũng lo lắng cho sức khoẻ của tôi. Thế nhưng, là nhân viên y tế, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, hơn hết, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế cũng như của bệnh viện để đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng nghiệp và gia đình”, anh Tâm nói.
BS CK 1 Nguyễn Ngọc Sang cho biết, vợ anh đang mang thai những tháng cuối và bé lớn nhà anh chỉ mới hơn 3 tuổi nên lúc biết dịch bệnh đã xuất hiện tại Việt Nam, anh có phần lo sợ cho sức khoẻ gia đình. “Chúng tôi là những người tiếp nhận 2 bệnh nhân từ sáng 23/1 từ lúc được nhập vào khu cách ly của khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy ngay từ lúc bệnh nhân này chỉ là trường hợp nghi ngờ, chưa chẩn đoán xác định có nhiễm nCoV hay chưa.
Tuy nhiên, tinh thần của các bác sỹ và điều dưỡng chúng tôi đặt sự thận trọng lên hàng đầu, đưa bệnh nhân vào khu cách ly trực tiếp, cố gắng tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và quy trình chẩn đoán và điều trị được Bộ Y tế và bệnh viện tập huấn từ trước nên hoàn toàn chủ động trong việc chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân cũng như gia đình mình”, bác sĩ Sang nói.
Niềm hạnh phúc
Khi được hỏi cảm giác khi thấy một trong hai bệnh nhân mình điều trị và đã được xuất viện, không ai bảo ai, cả bác sĩ Sang và điều dưỡng Tâm đều đồng thanh gọi đó là niềm hạnh phúc. Nhớ lại những ngày đầu khi vừa tiếp nhận, bệnh nhân không hợp tác, người con lại cho rằng mình không nhiễm bệnh vì chỉ đưa cha đi khám, ngoài sự tập trung cao độ để xác định đúng tình trạng nghi ngờ nhiễm bệnh của bệnh nhân, các bác sĩ tại khoa phải vừa thuyết phục vừa làm liệu pháp tâm lí với bệnh nhân để họ tin vào khả năng điều trị và cảm thấy an toàn dù họ ở phòng cách ly.
Điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm
“Lúc ấy là thời điểm cận Tết Nguyên đán, chúng tôi luôn đặt mình là bệnh nhân, đến từ một đất nước xa lạ, thời điểm Tết đoàn viên lại chơi vơi trong khu vực cách ly nên yếu tố tâm lý là đặc biệt quan trọng. Để ổn định và củng cố tinh thần cho bệnh nhân, trước tiên nhân viên y tế phải là những người có tâm lý vững. Vì bệnh nhân là người Trung Quốc nên khẩu vị cũng khá giống với người Việt, ngay trong đêm, khi chưa chuẩn bị được thức ăn cho bệnh nhân, chính nhân viên tại khoa đã tìm mua thức ăn theo đúng yêu cầu của người bệnh. Chúng tôi cố gắng hỗ trợ hết sức có thể về vật chất và tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị”, bác sĩ Sang cho hay.
Mỗi ngày, ê-kip tại khoa Bệnh nhiệt đới phân công khoảng 2-3 bác sĩ thay phiên vào thăm khám, khoảng 4 điều dưỡng luân phiên cung cấp thuốc, vệ sinh phòng bệnh, cung cấp nhu yếu phẩm cho bệnh nhân. Đội ngũ được luân phiên trong ê-kip 30 người tại khoa trực chiến với dịch.
“Trước mỗi lúc vào khu vực cách ly, mỗi nhân viên y tế sẽ phải uống từ nửa lít đến 1 lít nước, sau đó mới mặc vào người bộ quần áo bảo hộ. Lý do là vì bộ quần áo này rất nóng, có khả năng làm mất khoảng 1 lít nước trong khoảng 30 phút. Nếu không chuẩn bị trước, khi tình trạng mất nước xảy ra, bác sĩ hay điều dưỡng sẽ rất dễ bị choáng, trạng thái thể chất không tốt, thao tác sẽ không chuẩn, nguy cơ phơi nhiễm với bệnh sẽ cao hơn cũng như không thể điều trị cho bệnh nhân chuẩn xác và tốt nhất”, bác sĩ Sang kể.
#ICT_anti_nCoV
Tiền Phong