Lời khuyên của CMO VPBank: "Sách Marketing thì không nên đọc!"
"Sách Marketing đều ghi lại những kinh nghiệm đã diễn ra. Nếu bạn đọc một quyển sách mà cả nghìn người đọc, và những người đọc đều áp dụng hệt như vậy thì ý tưởng của bạn còn gì khác biệt?", CMO VPBank Trần Tuấn Việt - với gần 20 năm trong nghề - giải thích về quan điểm "tẩy chay" các loại sách Marketing của mình.
"Tôi không bao giờ đọc sách Marketing. Với tôi, Marketing là cuộc sống, cứ trải nghiệm sẽ làm được", ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị tại VPBank - chia sẻ tại một sự kiện do Like A Tree tổ chức.
Buổi chia sẻ thiên nhiều về chuyên môn Marketing và mang màu sắc của Thiền. Ông Việt cho biết sau ba lần khởi nghiệp thất bại và phá sản ở tuổi 35, ông nghe theo "tín hiệu của vũ trụ" và quay trở về nghề Marketing - nghề mà ông từng cho là bạc bẽo và không phù hợp với người không thích đám đông như ông.
Vì sao không nên đọc sách Marketing?
Gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Việt cho rằng ý tưởng Marketing đến từ 2 nguồn: Trí tưởng tượng của não bộ và từ kinh nghiệm. Nếu chỉ ngồi ở nhà và tưởng tượng thì rất ảo tưởng, còn nếu chỉ ý tưởng Marketing chỉ dựa trên kinh nghiệm thì sẽ bị lặp lại.
"Nếu kết hợp được cả kinh nghiệm và trí tưởng tượng, sẽ ra được ý tưởng tốt", ông Việt nói.
"Cho nên nghề Marketing không hợp với tất cả. Tôi nghĩ người không có trí tưởng tượng thì không nên làm nghề Marketing, bởi kinh nghiệm mình gặp người khác cũng sẽ gặp. Nếu mình kể lại kinh nghiệm ấy thì chỉ kể được 1 lần, và lần 2 sẽ chán. Hơn nữa, mình không thể kiếm đâu ra nhiều kinh nghiệm để kể suốt mấy chục năm. Những người kết hợp trải nghiệm cá nhân (đi nhiều, gặp nhiều) và trí tưởng tượng bẩm sinh sẽ hợp làm nghề Marketing".
Trả lời về cuốn sách phải đọc (Must-read) trong ngành, ông Việt thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Sách Marketing thì không nên đọc".
"Sách Marketing đều ghi lại những kinh nghiệm đã diễn ra. Nếu bạn đọc một quyển sách mà cả nghìn người đọc, và những người đọc đều áp dụng hệt như vậy thì ý tưởng của bạn còn gì khác biệt? Tôi là người "tẩy chay" các loại sách Marketing".
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng kinh nghiệm của người này chưa chắc phù hợp với người khác, có thể lời khuyên này không đúng cho tất cả.
Cuộc trò chuyện với sư cô 93 tuổi và đầu sách nên đọc
Mới đây, ông dành 10 ngày để học về Thiền nguyên thủy. Và ông bày tỏ với người thầy nay đã 93 tuổi rằng: "Ước gì con được gặp thầy cách đây 10 năm. Thầy như một quyển sách mà ngày nào con nhìn vào con cũng học được". Ông nói với sự tiếc nuối, mà vốn tiếc nuối lại không phải thiền.
Vị sư cô cười rất ý nhị rồi trả lời: "Thực ra 10 năm qua, vẫn có những người thầy đi qua mặt con, nhưng con không đủ mở tâm ra để biết họ là thầy mà thôi. Con mở lòng đến đâu thì người thầy sẽ xuất hiện ứng với trình độ của con".
Ông Việt kể câu chuyện trên và cho biết: Những đầu sách Thiền ông thấy nên đọc chưa chắc phù hợp với mọi người, bởi trạng thái của mỗi người khác nhau, không nên đọc chung một quyển sách.
Còn với bản thân ông, ông biết ơn quyển sách Thiền đầu tiên mình đọc là "Giận". "Tôi cảm thấy lỗi lầm từ khi sinh ra đều là hành xử do giận. Tôi nghĩ đó là quyển rất nên đọc cho những người hay giận như tôi", ông Việt chia sẻ.
Trí thức trẻ