Lời khuyên đầu tư của CEO công ty quản lý gia sản giới thượng lưu: 'Đầu năm 2024, vàng trong danh mục phòng ngự, cổ phiếu tấn công, nhưng cuối năm nay sẽ khác'
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), từ đầu 2023, vàng và cổ phiếu là hai tài sản có hiệu suất tốt nhất. Tuy nhiên, nửa sau năm nay, các nhà đầu tư nên có sự điều chỉnh danh mục dựa trên triển vọng các lớp tài sản.
Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 hôm 6/6, ông Nguyễn Minh Tuấn đưa ra nhận định tổng quát về các kênh đầu tư tiền gửi – trái phiếu – vàng – cổ phiếu trong năm 2023 và 2024.
Chuyên gia này cho biết: "Từ đầu năm 2023, vàng và cổ phiếu là hai tài sản có hiệu suất sinh lời tốt nhất. Trong đó, vàng đóng vai trò phòng ngự, cổ phiếu tấn công. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư dựa theo dự báo của chúng tôi nên có sự điều chỉnh dựa trên triển vọng các kênh đầu tư cuối năm nay".
Để làm nổi bật sự khác biệt trong việc phân bổ các lớp tài sản nửa cuối năm nay, CEO AFA Capital đánh giá triển vọng của một số kênh đầu tư phổ biến. Theo đó, tiền gửi và trái phiếu sẽ có triển vọng phục hồi, vàng cần cẩn trọng, còn cổ phiếu sẽ duy trì xu hướng.
"Lãi suất trên thị trường dân cư đã tăng trở lại. Kênh đầu tư này đã qua đáy và lợi suất sẽ cao hơn. Từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn một lượng tiền để chuẩn bị gia tăng các lớp tài sản khác", ông Tuấn nói. Việc gia tăng tỷ trọng tiền gửi giúp nhà đầu tư chủ động với các cơ hội trên thị trường bởi khả năng thanh khoản của kênh đầu tư này.
Chung xu hướng với tiền gửi, trái phiếu cũng là lớp tài sản được chuyên gia này nhận định "sáng cửa" đầu tư từ nay đến cuối năm.
Với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, việc phân bổ vốn vào trái phiếu hay chứng chỉ quỹ mở trái phiếu có thể mang lại hiệu suất tốt. Ông nói: "Trong bối cảnh thị trường vàng và cổ phiếu theo đánh giá của ông Tuấn sẽ có những biến động khá lớn, những tài sản mang lợi tức cố định nên được gia tăng từ bây giờ cho đến nửa cuối năm".
Mặt khác, thị trường còn tiềm ẩn rủi ro do áp lực trái phiếu đáo hạn lớn, dồn vào nửa sau 2024 đặc biệt với nhóm ngành Bất động sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể cân nhắc nhóm trái phiếu của các ngân hàng. Bởi ngân hàng là ngành đã phát hành mới khối lượng lớn trái phiếu từ cuối năm 2023 trở lại đây, đồng thời có lịch sử chi trả ổn định.
Với kênh vàng, ông Tuấn chỉ ra 5 yếu tố chính có thể tác động với giá vàng. Hai yếu tố thúc đẩy thị trường là nhu cầu của các ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ của FED. Ông Tuấn cho rằng, nhu cầu vàng vẫn sẽ được duy trì ổn định, thậm chí nâng cao trong thời gian tới. Ngoài ra, việc FED hạ lãi suất trong thời gian tới có thể ảnh hưởng đến giá vàng.
Tuy nhiên, việc giảm tỷ giá cùng chính sách điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước có thể làm hạ nhiệt giá kim loại quý. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cung vàng miếng thông qua hình thức bán vàng bình ổn giá tại bốn ngân hàng quốc doanh. Sau động thái này, giá vàng giảm, chỉ còn chênh lệch nhẹ so với giá vàng thế giới. Khi giá vàng sẽ giảm xuống, mọi thứ bình ổn trở lại và người dân sẽ không còn là cảm thấy bị bỏ lỡ hay khó khăn khi chưa nắm giữ vàng.
"Chúng tôi dự báo, trong quý III/2024, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng vàng bởi tính biến động của lớp tài sản này", ông Tuấn nói.
Để đưa ra các nhận định về thị trường, ông Nguyễn Minh Tuấn có hơn 18 năm kinh nghiệm trên thị trường nguồn vốn, tiền tệ và ngoại hối liên ngân hàng và đầu tư tại Techcombank, TP Bank. Chuyên gia này cũng có kinh nghiệm quản trị tại vị trí quản lý cao cấp tại các tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam như Vingroup.
An ninh tiền tệ