MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận của Sacombank năm 2015 và 2016 thay đổi thế nào sau kiểm toán?

30-05-2017 - 08:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Đầu tiên và cũng là con số chênh lệch lớn nhất trong báo cáo kiểm toán 2015 là chi phí hoạt động của Sacombank đã tăng thêm hơn 320 tỷ đồng lên 4.933 tỷ, còn năm 2016 cho thấy sự lưu ý ở phần thu nhập lãi thuần.

Sau một thời gian mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) cũng công bố báo cáo tài chính được kiểm toán.

Báo cáo này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua cùng với Đề án tái cơ cấu sau nhận sáp nhập Southern Bank hôm 22/5 vừa qua.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Sacombank năm 2015 đã sụt giảm gần một nửa xuống còn 698 tỷ. Còn lợi nhuận năm 2016 thì giảm 67,3% so với trước kiểm toán, từ 297 tỷ xuống còn 97 tỷ đồng.

Trước hết ở năm 2015, so với trước kiểm toán, có một số điểm đáng chú ý. Đầu tiên và cũng là con số chênh lệch lớn nhất đó là chi phí hoạt động của Sacombank đã tăng thêm hơn 320 tỷ đồng lên 4.933 tỷ. Trong hoạt động kinh doanh, các khoản được ghi nhận thấp hơn so với trước kiểm toán vài chục tỷ có thu nhập thuần từ lãi (giảm 38 tỷ); mua bán chứng khoán đầu tư (tăng lỗ 38 tỷ); hoạt động khác (giảm 82 tỷ). Những con số này khiến cho tổng thu nhập từ hoạt động trước dự phòng rủi ro giảm hơn 460 tỷ đồng so với trước kiểm toán và cũng dẫn đến kết quả chung là lợi nhuận trước thuế giảm.

Còn những số liệu khác không thấy sự thay đổi so với báo cáo trước kiểm toán. Tại thời điểm cuối năm 2015, huy động vốn từ khách hàng của Sacombank tăng 59,6% so với đầu năm, đạt 259.428 tỷ đồng. Cho vay khách hàng trong khi đó tăng 45% với tổng dư nợ 180.593 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 290 nghìn tỷ, tăng thêm trên 100 nghìn tỷ so với năm 2014 do nhận sáp nhập Phương Nam.

Trên báo cáo năm 2016 sau kiểm toán, đáng lưu ý là phần thu nhập lãi thuần chỉ được ghi nhận 3.731 tỷ đồng trong khi trước kiểm toán là 4.778 tỷ đồng, trong đó chi phí giữ nguyên còn phần thu nhập từ lãi giảm.

Còn trên bảng cân đối kế toán, khoản phải thu và lãi dự thu đều giảm mạnh so với trước kiểm toán, tổng cộng giảm hơn 1.400 tỷ. Đây là tín hiệu tốt cho thấy nỗ lực tái cơ cấu danh mục tài sản theo hướng lành mạnh, an toàn, tập trung thu hồi những khoản nợ tồn đọng nhằm nâng cao tài sản có sinh lời của ngân hàng.

Ngoài hai con số trên, trong báo cáo tài chính sau kiểm toán 2016 còn cho thấy nhiều hơn những điểm sáng. Tổng tài sản cuối năm 2016 đạt hơn 329 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với đầu năm. Vốn tự có đạt 19.120 tỷ đồng với vốn cấp 1 đạt 16.632 tỷ đồng, vốn cấp 2 đạt 2.488 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 21.752 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm, trong đó, vốn điều lệ đạt 18.852 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 303 nghìn tỷ, tăng 14,4% trong đó huy động từ thị trường 1 gần 290 nghìn tỷ.

Sacombank đạt các chỉ số an toàn cao hơn với quy định của NHNN, trong đó có hệ số CAR đạt 9,61%, trong khi NHNN yêu cầu 9%.

Ngân hàng cho biết, lãi thuần giảm chủ yếu do lãi suất cho vay giảm. Năm qua Sacombank đã kéo giảm thành công lãi suất huy động tại các đơn vị mới sáp nhập xuống ngang bằng với mặt bằng lãi suất chung (từ 6,15% xuống 5,77%), tiếp tục tăng trưởng bền vững nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn đa dạng của khách hàng.

Trong bức tranh chung của hoạt động kinh doanh, mảng tín dụng vẫn chiếm phần lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động của Sacombank. Nhưng mảng dịch vụ mới là điểm nhấn quan trọng khi thị phần đã chiếm đến 20% trong tổng thu nhập năm qua, tăng 7,3% tỷ trọng so với đầu năm, chủ yếu nhờ dịch vụ khách hàng cá nhân, ngân hàng điện tử và thẻ.

Bên cạnh đó, kinh doanh ngoại hối của Sacombank vẫn tăng trưởng đến 59% dù rằng điều kiện thị trường ít thuận lợi khi chính sách áp trần lãi suất USD 0% cũng như quy định siết chặt hơn trong quản lý ngoại hối.

Dẫu vậy, như đã đề cập, do trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank phải tập trung mọi nguồn lực nhằm tái cơ cấu, xử lý những tồn đọng một cách triệt để, dẫn đến quy mô lợi nhuận trước thuế ngân hàng sụt giảm mạnh so với những năm trước đây.

Liên quan đến kiểm soát chất lượng tín dụng, năm qua thực hiện đúng theo lộ trình tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã chuyển đổi số dư nợ thành trái phiếu VAMC khá lớn. Ngân hàng cũng tự xử lý được gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu.

Dù rằng trong các khoản vay mới ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ theo hướng phân tán rủi ro: tăng tín dụng tiêu dùng và cho vay nông nghiệp, giảm cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, đồng thời, tích cực triển khai nhiều giải pháp, chuyên môn hóa hoạt động xử lý nợ xấu trên toàn hệ thống. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế có nhiều biến động, giá hàng hoá giảm thấp… làm suy giảm khả năng thanh toán của khách hàng, và những tồn đọng từ yếu tố sáp nhập dẫn đến tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao lên đến 6,68%.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên